“Hồ Thiên Nga”, “Cinderella”, “Don Quixote”… là những tác phẩm ballet có sức sống, được yêu thích trên mọi sân khấu vũ kịch thế giới.
Hồ Thiên Nga (Swan Lake)
Nhắc tới nghệ thuật ballet, nhiều người nghĩ ngay tới vở Hồ Thiên Nga. Phần âm nhạc được viết khoảng năm 1875 – 1876 bởi nhà soạn nhạc Pyotr Ilyich Tchaikovsky. Đã có nhiều phiên bản Hồ Thiên Nga khác nhau, nhưng hầu hết các tác phẩm đều dựa trên bản năm 1895 của hai biên đạo Marius Petipa và Lev Ivanov. Vở ballet mẫu mực kể về câu chuyện tình yêu của công chúa Odette (người bị phù thủy biến thành thiên nga vào ban ngày, và trở thành người vào ban đêm) với hoàng tử Siegfried. Đằng sau những vũ điệu bay bổng, lãng mạn là triết lý về thề nguyện và hẹn ước, cái tốt đẹp chiến thắng cái xấu xa, sự hữu hạn và vô hạn của cuộc sống.
Người đẹp ngủ trong rừng (The Sleeping Beauty)
Vẫn là một tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky, Người đẹp ngủ trong rừng ra mắt năm 1890. Tác phẩm dựa trên truyện cùng tên của nhà văn Charles Perrault. Nghệ sĩ Marius Petipa viết lời (libretto) và biên đạo. Vở diễn hoành tráng, với sự tham gia của lượng lớn vũ công, chỉ tính riêng trích đoạn “điệu valse với các vòng hoa” ở hồi I đã phải huy động tới 150 diễn viên múa. Lúc mới ra mắt, tác phẩm bị giới phê bình tẩy chay với lý lẽ nhạc của Tchaikovsky khó để múa. Trái lại, công chúng đón nhận vở diễn nồng nhiệt. Tới nay, tác phẩm vẫn được coi là vở ballet nổi tiếng. Bản thân nhà soạn nhạc Tchaikovsky luôn coi Người đẹp ngủ trong rừng là tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng hay nhất của mình.
Giselle
Giselle còn có tên khác là The Wilis, là vở ballet hai màn do Adolphe Adam soạn nhạc, Jean Coralli và Jules Perrot biên đạo. Kịch bản được viết dựa trên ý tưởng từ một bài thơ của Victor Hugo. Tác phẩm ra mắt năm 1842 tại Paris. Vở vũ kịch khắc họa nàng Giselle – một cô nàng trẻ trung, xinh đẹp yêu thích khiêu vũ. Nàng đem lòng yêu một người đàn ông quý tộc mà không hề biết anh ta đã đính ước với người khác. Đau khổ, Giselle đã tự vẫn. The Wilis là một nhóm gồm các linh hồn nữ định giết người đàn ông quý tộc, nhưng tình yêu của linh hồn Giselle đã cứu anh thoát án tử hình.
Kẹp hạt dẻ (The Nutcracker)
Tuyệt phẩm ballet là sự kết hợp của nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky và hai bậc thầy biên đạo: Marius Petipa, Lev Ivanov. Kẹp hạt dẻ ra mắt năm 1892 tại Nga, ban đầu chưa mấy thành công, nhưng vẫn có sức sống nhờ phần âm nhạc ấn tượng của Tchaikovsky. Tới những năm 1960, vở múa được hoàn thiện, và trở nên nổi tiếng. Tác phẩm được coi là “siêu phẩm ballet” mỗi mùa Noel. Ngày nay, các đoàn ballet tại Mỹ có tới 40% thu nhập nhờ biểu diễn Kẹp hạt dẻ vào dịp Giáng sinh.
Cinderella
Tác phẩm của nhà soạn nhạc Sergei Prokofiev, ra mắt những năm 1900 qua phần biên đạo của Rostislav Zakharov. Dù có nhiều phiên bản khác nhau, song nội dung các vở Cinderella đều dựa trên truyện cổ tích Cô bé lọ lem. Cinderella được đánh giá cao bởi âm nhạc đẹp, vũ đạo dí dỏm và lãng mạn.
Don Quixote
Vở ballet xuất hiện lần đầu năm 1614 tại Pháp, dựa trên tiểu thuyết Don Quixote nhà quý tộc tài ba xứ Mancha. Nhiều phiên bản khác nhau của Don Quixote đã được dàn dựng, trong đó phổ biến nhất là tác phẩm do Marius Petipa biên đạo. Nội dung tác phẩm trung thành với cốt truyện của nhà văn Cervantes. Trong vở vũ kịch này, nhân vật chính Don Quixote không phải là trọng tâm. Những màn múa đẹp nhất thường được thể hiện bởi cặp nhân vật phụ là Kitri và Basilio. Vũ điệu của Don Quixote sống động, quyến rũ, mang đậm phong cách Tây Ban Nha.
Romeo và Juliet
Dựa trên kịch của William Shakespeare, vở ballet có phần âm nhạc được soạn bởi Sergei Prokofiev, biên đọa Leonid Lavrovsky. Tác phẩm được dựng năm 1935, công diễn bản hoàn thiện những năm 1938 tại Czech. Tới 1940, tác phẩm mới được diễn ở Nga vở trở nên nổi tiếng. Romeo và Juliet trung thành với cốt truyện của William Shakespeare, tái hiện bi kịch tình yêu thông qua những vũ điệu bay bổng.
La Bayadere
Ra mắt năm 1877 – giai đoạn mà ballet đi vào thời kỳ lãng mạn, La Bayadere được dàn dựng bởi Marius Petipa, phần âm nhạc của Ludwig Minkus. Nội dung tác phẩm kể câu chuyện tình vĩnh cửu giữa vũ nữ Ấn Độ Nikiya và chiến binh điển trai Solor. Brahmin là tay sỹ quan cao cấp đem lòng yêu Nikiya, bởi thế anh ta sắp xếp một lễ cưới cho Solor với công chúa. Bi kịch tình yêu, sự báo thù diễn ra từ đó. Qua bao thăng trầm, La Bayadere luôn được yêu thích bởi “màn múa trắng”, trong đó 32 phụ nữ mặc đồ trắng với những động tác nhún nhảy tinh tế theo hàng. Màn múa này trở thành một vũ đạo được sử dụng trong nhiều vở ballet.
Nàng tiên gió (La Sylphide)
Nàng tiên gió là một trong những vở ballet lãng mạn cổ xưa nhất còn được diễn tới ngày nay. Tác phẩm ra mắt năm 1832 tại Pháp, được biên đạo Filippo Taglioni sáng tạo như một món quà cho cô con gái Marie. Nhằm nhấn mạnh sự mỏng manh của nhân vật, Taglioni đã khai thác tối đa các kỹ thuật nhảy múa bằng ngón chân.
Vở ballet truyền cảm hứng từ phong cách, kỹ thuật múa, trang phục cho nhiều tác phẩm cùng thời. Năm 1836, Nàng tiên gió được nhóm múa Danish August Bournonville dàn dựng lại với phần âm nhạc của Herman Severin Lovenskiold.
Coppelia
Vở Coppelia được dàn dựng bởi Athur Saint- Leon, nhạc Leo Delibes, kịch bản ballet Charles Nuitter. Tác phẩm ra mắt năm 1870 tại Pháp. Biên đạo Marius Petipa sau đó đã dựng lại Coppelia vào cuối thế kỷ 19, phiên bản này vẫn được biểu diễn cho tới ngày nay. Vở múa có tiết tấu nhẹ nhàng, giai điệu vui vẻ, kể về trò cúp bắt tinh nghịch của đôi bạn Franz và Swanhilda. Tác phẩm thường thu hút trẻ em bởi những tạo hình xinh xắn. Coppelia là tác phẩm đầu tiên đưa con rối, búp bê lên sân khấu ballet.
Theo vnexpress.net
0 comments on “10 vở ballet cổ điển sống cùng thời gian”