Tin tức

Đạo diễn sân khấu vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires Huyền Nga: “Phân thân để để lột tả được hết phần hồn cũng như phần xác của Maria”

Là một trong những đạo diễn sân khấu thành công của Việt Nam và từng dàn dựng khá nhiều chương trình nổi tiếng như Carmen Hà Nội, La Boheme, Cosi Fantutte, Cô Sao,… Huyền Nga được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) mời tham gia đạo diễn sân khấu cho vở nhạc kịch nổi tiếng “Maria de Buenos Aires”. Thời gian chuẩn bị không nhiều, nhưng đạo diễn Huyền Nga đã tạo dựng được những nét riêng độc đáo cho vở nhạc kịch này. Cô đã chia sẻ khá cởi mở về những nét mới của vở diễn năm nay:

Đạo diễn Huyền Nga đang làm việc với diễn viên
  • Với tư cách đạo diễn sân khấu của Maria de Buenos Aires, xin chị cho biết những nét mới của vở nhạc kịch này khác biệt so với những sân khấu trước kia?
  • Maria de Buenos Aires vốn không phải  là một vở nhạc kịch theo phong cách truyền thống. Nó là một chu kì bài hát được liên kết với nhau bởi một chủ đề nhưng không tạo thành cốt truyện theo nghĩa thông thường. Năm nay, Maria de Buenos Aires của tôi là một câu chuyện về cô gái Maria cháy cùng điệu Tango cho đến tận hơi thở cuối cùng tại Buenos Aires – thành phố lớn nhất của Argentina – nơi được mệnh danh là “Paris của châu Mỹ Latin”. Để khắc hoạ được rõ nét bối cảnh và diễn biến của câu chuyện này, ngoài việc bưng dàn nhạc lên sân khấu để trở thành một phần của mi- zăng- xen, tôi phải thêm vào đó một số nhân vật nhằm tạo ra những mắt xích kết nối chặt chẽ các tuyến kịch trên sân khấu, tạo cảm giác logic cho khán giả dễ cảm nhận hơn và tiếp cận gần hơn với các nhân vật trong vở nhạc kịch.
  • Được biết, Maria de Buenos Aires là một vở nhạc kịch mang chiều hướng “Opera Mới” và  Nuevo Tango. Vậy chị sẽ tạo dựng một sân khấu ra sao để thể hiện được một cách tốt nhất nét đặc biệt của vở diễn? 
  • Đúng, đây là vở nhạc kịch duy nhất do nhà soạn nhạc Người Argentina, Astor Piazzolla, viết như một bản tuyên ngôn về tình yêu của mình dành cho Tango và thành phố quê hương của ông là Buenos Aries. Tôi cho rằng Tango, bản thân nó, đã là một bản giao hưởng của các vũ điệu. Vì vậy, tôi đã tạo dựng một không gian sống cho vở diễn là một quán bar hiện đại và phóng khoáng – nơi mà mọi người có thể lui tới và cùng nhau thể hiện đam mê của mình trong  những bước nhảy Tango điệu nghệ.
Hương Diệp cùng các diễn viên VNOB đang tập luyện
  • Maria là một nhân vật mang tính cách của thiên thần ẩn mình trong bản năng đầy nhục dục của một cô gái. Để thể hiện được một cách hiệu quả nhất nhân vật này, chị sẽ phối hợp như nào với đạo diễn múa và chỉ huy dàn nhạc?
  • Maria là một nhân vật đầy mầu sắc với hai mặt đối lập. Khi thì nồng nàn da diết qua những lời ca, tiếng hát. Lúc lại mạnh mẽ, dứt khoát và quyết liệt như những bước nhảy Tango. Tôi đã sử dụng thủ pháp “phân thân” (có nghĩa là 2 diễn viên cùng thể hiện một nhân vật) để có thể truyền tải được hết phần hồn cũng như phần xác của Maria. Việc này sẽ tăng thêm phần hấp dẫn cho người xem và được Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, bà Trần Ly Ly, vừa là chỉ đạo nghệ thuật, vừa trực tiếp sản xuất, và nhạc trưởng Philip nhiệt liệt hưởng ứng.
  • Vở nhạc kịch Maria của VNOB năm nay có mang lại cảm xúc gì cho chị và chị nhớ nhất khoảnh khắc nào của vở diễn? 
  • Nó đem lại cho tôi thật nhiều cảm xúc, vui mừng, lo lắng và cả hoảng sợ! Vui mừng vì được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, nơi tôi công tác 20 năm, mời quay lại dàn dựng nhạc kịch – vốn là niềm đam mê và là sở trường của tôi. Mừng quá nên chẳng kịp nhận ra là mình chỉ có 20 ngày để dàn dựng từ khi nhận lời mời đến lúc biểu diễn mà đã nhận lời. Đến lúc nhận lời xong thì đâm lo. Khi bắt tay vào việc thì thấy hoảng sợ. Thông thường  chuyên gia khi sang đây dựng thì cũng cần đến vài tháng để thực hiện! Nhưng đồng hành cùng tôi là ê kíp sáng tạo giàu kinh nghiệm và dàn diễn viên rất chuyên nghiệp của VNOB. Đặc biệt, giám đốc Nhà hát cũng là người đạo diễn những màn múa của vở nhạc kịch. NSƯT Trần Ly Ly rất quyết liệt trong cách chỉ đạo các khâu hỗ trợ thực hiện ý tưởng của tôi nên công việc tiến triển rất tốt. Tôi thực sự xúc động mạnh ở khoảnh khắc trước khi chết cô ấy sinh ra một bé gái. Đứa bé chào đời không bằng tiếng khóc mà bằng những bước nhảy Tango, phải chăng đó là vòng luân hồi của chính Maria? phải chăng kiếp trước tôi cũng chính là người miệt mài, say mê với nghệ thuật Opera…
  • Cảm ơn đạo diễn Huyền Nga và chúc vở nhạc kịch thành công tốt đẹp, tạo hiệu ứng tốt với khán giả Việt Nam.

Tuyết Hoa (th)

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỞ NHẠC KỊCH “ MARIA DE BUENOS AIRES”

(Hà Nội, ngày 1 tháng 11 năm 2018): Tango là một trong những vũ điệu hấp dẫn nhất trên thế giới. Tango đẹp và quyến rũ ở sự huyền bí vô tận. Huyền bí là bởi tango có thể là bi kịch đẫm lệ, nhưng cũng có thể là một cái kết hạnh phúc vỡ òa. Điệu Tango của Argentina đã được hóa thân trong vở Nhạc kịch mang tên María đến từ Buenos Aires, được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 15 tháng 11 tới với khả năng chỉ huy dàn nhạc đầy kinh nghiệm của nghệ sĩ Philippe Lesburgueres đến từ Pháp, đạo diễn múa đầy sáng tạo, NSƯT Trần Ly Ly, và đạo diễn sân khấu Huyền Nga.

María đến từ Buenos Aires là một vở Opera nói về thân phận của cô gái Maria trong vòng xoáy cuộc đời ở Argentina. Maria được sinh ra “…trong một ngày Chúa say” ở một vùng ngoại ô nghèo của thành phố Buenos Aires. Sống trong bạo lực và sự hỗn loạn, lại bị coi như công cụ tình dục, nhưng nhờ những vũ điệu Tango nàng đã tìm ra lẽ sống, tìm thấy bản chất thiên thần của mình. Tango giúp Maria nhận thức được sức mạnh quyến rũ của bản thân cho dù bị vùi dập trong vòng xoáy của tình yêu đã mất. Vở nhạc kịch xoay quanh cuộc sống và cái chết của Maria, sự hóa thân của cô vào vẻ đẹp của những người phụ nữ Buenos Aires với vũ điệu Tango bất diệt, mãi say đắm lòng người…

Maria đến từ Buenos Aires được coi như một bản tuyên ngôn về “Opera thế hệ mới” của nhà soạn nhac Astor Piazzolla khi ông đưa Tango vào làm chất liệu âm nhạc để viết nên vở Opera này. Sự kết hợp của các nhạc cụ như guitar, bộ dây, piano, bộ gõ… tạo nên sự nổi bật và khác biệt của một dàn nhạc giao hưởng mang phong cách Tango mới.

Nói về tác phẩm này, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, nhận xét: “Maria là Tango. Cô là một phần của lịch sử, là trái tim và linh hồn của Argentina. Cô là chủ đề truyền cảm hứng, thể hiện một cách sinh động từng lời thơ của Horacio Ferrer cũng như giai điệu của Astor Piazzolla”.

Nghệ sĩ Philippe Lesburgueres cũng tiết lộ một trong những nét mới của vở nhạc kịch lần này là việc đưa dàn nhạc lên sân khấu. Điều này, theo ông là rất tuyệt vì “tạo được sự tương tác với diễn viên múa và các ca sĩ”.

Đạo diễn sân khấu Huyền Nga cũng chia sẻ ý tưởng độc đáo về tạo hình trên sân khấu của Maria đến từ Buenos Aires sẽ có sự trừu tượng, bí ẩn và độc đáo”.

Tham gia vào vai diễn Maria của vở nhạc kịch là hai nghệ sĩ nổi tiếng Hương Diệp, Diễm Quỳnh, cùng sự hóa thân vào vai El Duende của nghệ sĩ Phan Đức và tập thể ca sĩ, nhạc công, diễn viên múa của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Thông tin về Nhạc trưởng

VARMATIN TOULON M. BERGUERES DIRECTEUR DU CONCERVATOIR NATIONAL DE REGION

 

Philippe Lesburgueres là một nhạc trưởng người Pháp chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng. Ông từng chỉ huy nhiều bản nhạc cổ điển cũng như đương đại nổi tiếng.

Sau khi tốt nghiệp tại Sorbonne và Paris Conservatoire Supérieur de Musique et de Danse – nơi ông đã đạt nhiều giải thưởng danh giá, niềm đam mê với nhạc Baroque đã đưa ông đến làm việc với những nhạc trưởng nổi tiếng Jordi Savall Và Franz Bruggen.

Năm 1985, cuộc gặp gỡ định mệnh giữa ông và huyền thoại Asto Piazzolla đã giúp ông học được phong cách tinh tế của Nuevo Tango, và cuộc gặp gỡ với Gyorgy Ligeti tao cơ hội cho ông được chỉ huy những tác phẩm kinh điển nhất của Ligeti trên toàn thế giới. Họ vẫn là những người bạn thân thiết nhất của nhau cho đến hiện nay.

Philippe nguyên là giám đốc của Viện bảo tồn văn hóa Pháp ở nước ngoài, nơi mà ông bắt đầu thành lập các tổ chức sư phạm sáng tạo cũng nhiều những tiết mục mới.

Đam mê với sự kết hợp những loại hình nghệ thuật khác nhau, Philippe đã chỉ huy vô số những buổi biểu diễn, mang các diễn viên nhà hát, các nghệ sĩ làm nghệ thuật thị giác, các biên đạo múa và các nghệ sĩ xiếc đến với nhau, tạo ra các mối liên kết quan trọng để quảng bá về văn hóa và nghệ thuật và phản ánh những nguyện vọng thiết yếu của con người: mối liên kết giữa con người với trái đất – cuộc sống và những phản ứng chúng ta phải đối mặt với áp lực của thế giới đương đại…

Philippe Lesburgueres đã từng chơi vở opera Maria de Buenos Aires ở một vài quốc gia. Đây là một trong số những tác phẩm yêu thích của ông vì Maria được coi như thước đo của opera, đòi hỏi tình yêu tinh thần nghệ thuật và phong cách của Astor Piazzolla … của Nuevo Tango

Các thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với:

Ms. Nguyễn Tuyết Hoa

Phụ trách Truyền thông – Marketing Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam

ĐT:0913056462

Email:[email protected]: website: https://nhahatnhacvukichvietnam.com

Facebook: Vietnam National Opera and Ballet

https://www.youtube.com/watch?v=iMLncA6Mhog&feature=youtu.be–

Philippe Lesburgueres, chỉ huy dàn nhạc vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires: VNOB tạo nên sức sống mới cho Maria de Buenos Aires

Tango là đam mê. Nói đến Tango là nói đến sự hoài niệm, giằng co giữa tình yêu, đam mê và cái chết

Từng chỉ huy dàn nhạc trong vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires ở nhiều nơi trên thế giới, nghệ sĩ Philippe Lesburguères – Giám đốc Studio des Arts Vivants, đã đến với dải đất nhỏ bé hình chứ S với dự án xây dựng lại vở nhạc kịch nổi tiếng này cùng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) với một phong cách mới. Ông đã chia sẻ điều này trong cuộc trò chuyện với nhà báo Tuyết Hoa:

  • VARMATIN TOULON M. BERGUERES DIRECTEUR DU CONCERVATOIR NATIONAL DE REGION

    Thưa nghệ sĩ, Maria de Buenos Aires của năm 2018 có thay đổi gì khi đến với công chúng Việt Nam?

  • Maria de Buenos Aires 2018 có nhiều thay đổi lớn, nhất là khi VNOB thổi một làn gió mới trong ý tưởng, đạo diễn sân khấu và biên đạo. Để chuẩn bị cho vở diễn, VNOB đã tạo điều kiện để tôi được làm việc trực tiếp với biên đạo múa ngay từ đầu. Điều đó giúp chúng tôi hiểu nhau hơn, tạo được tiếng nói chung và nảy sinh nhiều ý tưởng mới, đặc biệt là sự sáng tạo của biên đạo múa.
  • Được biết, nét độc đáo của vở nhạc kịch lần này chính là ý tưởng đưa toàn bộ dàn nhạc lên sân khấu thay vì ngồi tại hố nhạc. Điều này có tác động như thế nào đến vở diễn, thưa ông?
  • Điều này thực sự gây được ấn tượng mạnh với khán giả. Việc đưa toàn bộ dàn nhạc lên sân khấu sẽ tạo cảm giác như đang trình diễn trong một quán bar. Nhân vật Maria vốn là một phụ nữ có 2 mặt đối nghịch, Đó là bản năng tính dục và tính cách thiên thần. Việc đưa dàn nhạc lên sân khấu sẽ mang tính trình diễn nhiều hơn. Dàn nhạc cũng dễ tương tác với diễn viên múa và các ca sĩ hơn. Một chi tiết thú vị là khi Asto Piazzolla lần đầu tiên dàn dựng Maria de Buenos Aires, ông cũng có ý muốn như VNOB.
  • Với Maria de Buenos Aires, dàn nhạc sẽ sử dụng những loại nhạc cụ nào, thưa ông?
  • Khoảng 10 loại nhạc vụ khác nhau như Violon, Viola, Cello, Double Bass, Sáo, Piano, Accordeon, Guitar và bộ gõ.
  • Là người châu Âu, tại sao ông lại đến với Tango nói chung và Maria de Buenos Aires nói riêng?
  • Năm 1985, tôi tình cờ gặp gỡ huyền thoại Asto Piazzolla. Đây có thể coi như bước ngoặt của cuộc đời tôi khi biết đến tinh thần của Nuevo Tango. Từ đó, Tango nói chung và Maria de Buenos Aires nói riêng trở thành niềm cảm hứng mới của tôi. Tôi đã trình diễn vở này ở nhiều nơi trên thế giới. Còn lần này, tôi rất vui khi được phối hợp với VNOB để tạo nên con gió mới mang tên Maria de Buenos Aires tại Việt Nam.
  • Ông có thể cho biết ý kiến của mình về gu cảm thụ nghệ thuật của khán giả Việt Nam qua các chương trình ông trình diễn?
  • Một câu hỏi rất hay. Chúng ta hãy tưởng tượng xem nhé. Tôi là người châu Âu, biểu diễn Tango là chất nhạc Nam Mỹ xen lẫn chất châu Phi và giai điệu của người Ang – điêng, tại Việt Nam. Đây có thể xem là minh chứng rõ ràng của sự toàn cầu hóa. Những gì mà tôi cảm nhận được từ khán giả Việt Nam là sự hòa nhập, cảm thụ và tiếp nhận đầy nhiệt tình. Sự ủng hộ của khán giả Việt đã giúp chúng tôi có thêm niềm đam mê để giới thiệu Tango rộng rãi hơn nữa ở Việt Nam.
  • Nếu được chia sẻ về Tango với công chúng Việt, ông sẽ nói gì?
  • Tango là đam mê. Nói đến Tango là nói đến sự hoài niệm, giằng co giữa tình yêu, đam mê và cái chết.
  • Xin cảm ơn và chúc cho Maria de Buenos Aires thành công tốt đẹp

Tuyết Hoa (th)

Bí mật sau cánh gà sân khấu Opera…

Một buổi biểu diễn Opera hoàn chỉnh là sự kết hợp ăn ý của dàn nhạc, ca sĩ với dàn diễn viên múa cùng rất nhiều những yếu tố khác. Sự kết hợp uyển chuyển giữa âm nhạc và múa sẽ tạo nên cốt truyện truyền tải đến khán giả.

Hãy cùng Thethaovanhoa.vn khám phá “bí mật” hậu trường, sau ánh đèn sân khấu để có thể hiểu rõ hơn về công việc của những nghệ sĩ Opera qua vở diễn mới nhất tại Nhà hát Lớn, Hà Nội là María de Buenos Aires trong đêm 15/8

Maria, VNOB
María de Buenos Aires là một vở Opera Tango viết bởi nhà soạn nhạc Astor Piazzolla và kịch bản của Horacio Ferrer đã được công diễn tại Sala Planeta ở Buenos Aires tháng 5 năm 1968

Cốt truyện siêu thực của vở opera xoay quanh thân phận của Maria trong vòng xoáy cuộc đời tại Buenos Aires, Argentina

Trước buổi biểu diễn, các diễn viên múa thường phải tự trang điểm, tạo kiểu tóc cho nhau. Họ không có chuyên viên trang điểm riêng

Từng khuôn mặt đều được trang điểm kỹ lưỡng. Bởi dưới ánh đèn sân khấu, biểu cảm của diễn viên múa tạo nên cái hồn cho tác phẩm

Tranh thủ ôn lại những động tác múa trước buổi biểu diễn.

Hải Ly – 23 tuổi, tốt nghiệp trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Hiện đang là diễn viên múa của nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Cô chia sẻ “Mỗi lần diễn xong một vở múa, chân tay mình như muốn rụng rời. Nhưng những tràng pháo tay của khán giả đã tiếp thêm sức mạnh cho mình cố gắng. Đối với người nghệ sĩ, không có gì tuyệt vời và hạnh phúc hơn là khi diễn xong được khán giả vỗ tay khen ngợi”

Nhạc công kiểm tra lại nhạc cụ trước khi biểu diễn.

Ông Philippe Lesburgueres – chỉ huy dàn nhạc đang trao đổi, trò chuyện vui vẻ với các diễn viên, tạo tâm lý thoải mái trước khi ra sân khấu. Ông đã chỉ huy rất nhiều dàn nhạc và hợp xướng với phong cách rất đa dạng từ âm nhạc giao hưởng tới các nhạc cụ đương đại

Diễn viên múa là một nghề vô cùng cực nhọc, đòi hỏi diễn viên phải có một thể lực tốt, một đôi chân dẻo dai.

Và quan trọng là không được để bản thân cảm thấy đói khi lên sân khấu

Mỗi vở diễn thường kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, đồng nghĩa với việc diễn viên phải múa liên tục trong khoảng thời gian đó. Nếu không có sự dẻo dai thì sẽ không thể đứng vững trên sân khấu.

Đâu đó ta sẽ bắt gặp hình ảnh những trang nhạc được các ca sĩ hát Opera mang theo để ôn lại lời.

Mỗi phút giây tỏa sáng trên sân khấu phải đánh đổi bằng những ngày dài không ngừng cố gắng luyện tập, bằng những giọt mồ hôi và cả nước mắt.

Để khi mỗi màn diễn kết thúc, tâm huyết và sự cố gắng của mỗi diên viên, nhạc công được công nhận bằng những tràng vỗ tay khen ngợi, những bó hoa tươi thắm. Giây phút đứng trên sân khấu đón nhận những tràng vỗ tay không ngớt từ khán giả có lẽ là những giây phút xúc động nhất. Phía sau ánh sáng của sân khấu là sự cố gắng không ngừng nghỉ của mỗi diễn viên!

Mỹ Anh (Theo Thethaovanhoa)

“Hồn Việt” đến Big Ben

Nằm trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Anh và Việt Nam, ngày 9 – 10 vừa qua, tại thủ đô London (Anh), Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, giao trách nhiệm, trình diễn một chương trình nghệ thuật nghệ thuật đặc sắc mang tên “Hồn Việt”.

Chú Tễu xuất hiện trong phần mờ đầu của Hồn Việt

Khác với những chương trình nghệ thuật trước đây với các bài biểu diễn riêng biệc, Hồn Việt, được NSƯT, Biên đạo múa Trần Ly Ly, quyền Giám đốc VNOB, xây dựng với một motif đầy tính liên kết và đậm chất văn hóa dân gian Việt Nam. Với các tiết mục như Hòa tấu sông Hồng, hát Xẩm, múa Ả Đào, đàn bầu, dân ca Tây Nguyên, Múa Chăm, Hầu đồng… và đỉnh cao là màn hòa tấu Tre Nứa mang tên “Nắng và Gió”, các khán giả tại Anh đã có dịp thưởng thức màn biểu diễn mà chất dân gian được nhào nặn trong yếu tố hiện đại, thể hiện được nét đặc trưng cho Việt Nam, toát lên tinh thần của “Hồn Việt”.

Múa Ả Đào với sự giao thoa của nghệ thuật âm nhac Ca Trù và múa đương đại

Biên đạo múa, NSƯT Trần Ly Ly, tổng đạo diễn của chương trình chia sẻ khi xây dựng “Hồn Việt: “Chúng tôi muốn mang đến một hình ảnh mới trong nghệ thuật của Việt Nam trên trường quốc tế. Chình vì vậy, từ sự mềm mại của múa Ả Đào, đến làn điệu du dương của những nốt nhạc đàn bầu, đến sự mạnh mẽ, hoang hoải của âm thanh của núi rừng Tây Nguyên thông qua các nhạc cụ được làm từ tre nứa, được nhào nặn cùng múa hiện đại… đều thể hiện được nét đặc trưng của nền văn hóa dân gian Việt”.

Còn NSƯT Nguyễn Mạnh Tiến, người ‘thổi hồn” âm nhạc cho “Hồn Việt” tiết lộ những loại nhạc cụ được sử dụng trong chương trình cũng rất đặc biệt. Đó là các loại đàn của người dân tộc như đàn Brố của dân tộc Êđê, đàn T’rning, đàn Hét, Goong, trống da voi, Đinh Tút, Đinh Năm, K’ni…Đây là những loại nhạc cụ rất đặc trưng của người dân tộc thiểu số sinh sống ở cao nguyên, được làm rất thô sơ, chủ yếu từ tre, nứa,… nhưng âm thanh của nó lại rất đặc biệt, mang đến cho người nghe cảm nhận về hơi thở cuộc sống Tây Nguyên.

Một trong những tiết mục khá đặc biệt của “Hồn Việt” là Múa Ả Đào, được xây dựng từ múa đương đại hòa quyện trong âm nhạc dân gian của ca Trù. Nguyễn Ngọc Hải Ly, diễn viên múa chính trong “Ả Đào” tâm sự: ‘Múa Ả Đào là một tiết mục rất khó và đặc biệt, thể hiện một người phụ nữ làm nghề ca xướng đã hết thời, trăn trở với quá khứ đau thương của số phận người ca nữ. Ly tâm sự: “Với em, vào vai Ả Đào không hề dễ dàng vì em không được sống trong thời đó, chưa cảm nhận hết nỗi đau của một ca nương. Tuy nhiên, với sự chỉ dẫn tận tình của Biên đạo Trần Ly Ly, sự hiểu biết qua sách vở, sự chiêm nghiệm và tập luyện, dần dần con người em đã hòa vào vai diễn một cách chân thật và say mê”.

Hầu Đồng được đưa vào Danh mục Si sản văn hóa phi vật thể của UNESCO

Chính vì sự đặc sắc và mới lạ trong cách xây dựng nội dung của chương trình, ‘Hồn Việt” đã nhận được nhiều cảm tình của khán giả tại thủ đô của đồng hồ Big Ben. Sau chương trình này, hy vọng VNOB sẽ tiếp tục xây dựng những chương trình mới, đầy sáng tạo và đậm chất dân tộc Việt Nam để giới thiệu với bạn bè năm châu.

Khán giả say mê theo dõi Hồn Việt

Tuyết Hoa

Những ngày văn hóa Việt Nam tại Anh

Tối ngày 9/10/2018 tại thủ đô London, Vương quốc Anh đã đã diễn ra Lễ Khai mạc Những ngày Văn hoá Việt Nam tại Anh nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh với sự tham dự của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Quốc Vụ khanh Châu Á- Thái Bình Dương Mark Field cùng Lãnh đạo các ban, bộ, ngành của Việt Nam, các chính khách của Anh và đông đảo khán giả Anh và kiều bào Việt Nam.

Tại Lễ khai mạc, Chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” với những tiết mục phong phú, được dàn dựng công phu đã thực sự chinh phục khán giả bằng sự mộc mạc của âm nhạc dân tộc Việt Nam cùng những điệu múa sống động và tinh tế. Các tiết mục trong chương trình được kết nối nhằm tạo mạch cảm xúc từ các chất liệu nghệ thuật dân gian đa dạng và độc đáo ở các vùng miền, các dân tộc của Việt Nam. Chương trình do các nghệ sỹ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam biểu diễn, được NSUT Trần Ly Ly biên đạo và dàn dựng cùng giám đốc âm nhạc NSUT Nguyễn Mạnh Tiến.

Sự kiện Những ngày Văn hoá Việt Nam tại Anh cũng là một trong số những chương trình phục vụ chuyến thăm chính thức đến Anh của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Trong thời gian này, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ đã tham gia đoàn tháp tùng Phó Thủ tướng làm việc với các đối tác của Anh.

Bên cạnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, một triển lãm về trang phục dân tộc và tơ lụa mang tên “Sắc màu Việt Nam” do Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam thực hiện cũng được tổ chứ tại London nhằm giới thiệu đến công chúng Anh những nét văn hoá đầy màu sắc phong phú của Việt Nam./.

Thông cáo báo chí chương trình biểu diễn Bolero và Suite en Blanc

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

CHƯƠNG TRÌNH “ BOLERO VÀ SUITE EN BLANC”

Thời gian: 20h ngày 17 và 18 tháng 10 năm 2018

 

(Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2018): Đến với ballet giống như lạc vào một xứ sở diệu kỳ, ở nơi đó vẻ đẹp của hình thể con người, từ những đầu ngón tay, ngón chân đến những đường nét, hình dáng đều trở nên trọn vẹn, lộng lẫy và đầy xúc cảm. Để đưa khán giả Việt Nam bước vào xứ sở tuyệt diệu này, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã mời biên đạo múa nổi tiếng hiện đang đầu quân cho Nhà hát Ballet quốc gia Anh (English National Ballet Theatre) Lê Ngọc Văn, biên đạo toàn bộ hai tác phẩm ballet nổi tiếng là Bolero và Suite en Blanc để trình diễn trong hai đêm 17 và 18 tháng 10 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Phần 1 sẽ đưa khán giả đến với Bolero, tác phẩm ballet hiện đại đã được dàn dựng ở nhiều nước trên thế giới trên nền bản nhạc nổi tiếng và mạnh mẽ nhất của nhà soạn nhạc Maurice Ravel. Tại Việt Nam, lần đầu tiên Bolero được Biên đạo múa Lê Ngọc Văn dàn dựng riêng cho Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB). Những luật động đầy ma lực, đề cao khả năng sáng tạo và sức mạnh nội tâm của các nghệ sĩ múa của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) như NSƯT Hàn Giang, Thu Huệ, Thu Hằng, Văn Nam,…, thể hiện một cách đơn giản mà đầy cảm hứng, ngây thơ mà khiêu khích, thanh lịch nhưng vô cùng quyến rũ…

Sau giờ nghỉ, khán giả tiếp tục được mãn nhãn với một tiết mục gần như đối nghịch. Từ ballet hiện đại, VNOB sẽ đưa khán giả trở về với ballet cổ điển thông qua tổ khúc Suite en Blanc. Năm 2017, Nhà hát Ballet Quốc gia Anh công diễn vài trích đoạn Suite en Blanc nhưng chưa được đầy đủ. Chính vì vậy, Suite en Blanc của VNOB chính là một màn trình diễn hoàn hảo nhất tại Việt Nam. Tác phẩm là tổ khúc múa thời kỳ lãng mạn, tôn vinh nét đẹp của nghệ thuật múa ballet trên giai điệu của nhà soạn nhạc Leo Delibes. Tác phẩm thể hiện sự hoàn hảo, sang trọng và thanh thoát với các đoạn múa đơn, múa đôi, múa ba người và tập thể chuyển động nhẹ nhàng trên bối cảnh trắng tinh khiết.

Nói về chương trình này, NSƯT, Giám đốc nghệ thuật Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB), cho biết: “VNOB luôn nỗ lực trong việc đưa nghệ thuật múa ballet Việt Nam tiến cùng nhịp bước với ballet thế giới. Việc ra mắt Bolero và Suite en Blanc chính là minh chứng rõ ràng của VNOB trên con đường đi đến mục tiêu lớn, đó là phát triển nghệ thuật múa ballet thông qua từng bước đi vững chắc, đẹp đẽ”.

Còn biên đạo múa Lê Ngọc Văn chia sẻ: “Bolero và Suite en Blanc là những tác phẩm nghệ thuật được truyền cảm hứng từ âm nhạc, lấy âm nhạc làm bệ phóng. Vì lẽ đó, những vũ điệu, sự kết nối trong từng tác phẩm đều phụ thuộc vào âm nhạc. Với những người đam mê nghệ thuật múa ballet như tôi, Trần Ly Ly hay những người khác, Bolero và Suite en Blanc có thể coi là một nền tảng để từng bước đưa ballet Việt Nam lên tầm thế giới”.

Về biên đạo múa Lê Ngọc Văn:

Tốt nghiệp:  Viện Hàn lâm Âm nhạc và múa Lyon (Pháp), Trường múa Việt Nam

1998-2003: Diễn viên Múa chính thức tại BALLET NATIONAL DE MARSEILLE, Pháp

2003 – nay: Diễn viên múa chính thức tại Nhà hát Ballet quốc gia Anh.

Điểm sáng trong sự nghiệp:

-Tham gia trong “Vàng” của Người đẹp Ngủ trong rừng của Mac Milan tại Nhà hát Coliseum London

– Diễn viên chính trong “Bốn tính khí” và “Ai quan tâm?” của Balanchine

– MenYMen của Wayne Eagling được kênh 3D của Sky phát hành.

– Biên đạo chính cho “Trọng lượng của tình yêu”, đại diện cho Vương quốc Anh tại hội chợ triển lãm thế giới Thượng Hải 2010 phối hợp với Ballet Thượng Hải, Ballet quốc gia Anh, Hội đồng Anh và Đại sứ quán Anh tại Trung Quốc.

  • 2010 Giành được giải thưởng xuất sắc từ Ban tổ chức và Ban chấp hành World Expo 2010, Thượng Hải
  • Giải thưởng sáng tạo 2012 giành cho tác phẩm “La Danse du Stravinsky” do Thượng Hải Ballet trình diễn.
  • Chung kết tại cuộc thi quốc tế lần thứ 24 cho biên đạo múa Hannover, Đức
  • Chung kết tại cuộc thi biên đạo múa ba lê quốc tế Bắc Kinh Trung Quốc 2017

Tác phẩm

  • 2017: Suite en Blanc, được Ballet Quốc gia Anh thực hiện
  • 2017: Fantaisie Impromptu, được Ballet Quốc gia Anh thực hiện
  • 2015; Bolero được Ballet Thượng Hải thực hiện
  • 2012: Bốn mùa, được Ballet Quốc gia Anh thực hiện
  • 2012: Chase, được Ballet Quốc gia Anh thực hiện
  • 2012: Grand pas du Bach, được Ballet Thượng Hải thực hiện
  • 2011: Vue de l’autre, Ballet Quốc gia Anh thực hiện
  • 2011: Chase, Nhà hát Britten London
  • 2011: Vàng đen, Ballet quốc gia Anh
  • 2010: Trọng lượng của tình yêu, được Thượng Hải Ballet thực hiện
  • 2009: Concerto cho năm người, Ballet quốc gia Anh
  • 2008: Duo, tác phẩm đặc biệt cho Young Jae Jung tại cuộc thi Ballet Varna 2007: Les Emotions, Ballet quốc gia Anh
  • 2006: Không lời, Ballet quốc gia Anh

Tác phẩm tham gia trên cương vị diễn viên múa ballet

* Arlésienne của Roland Petit

* Alice in Wonderland của Derek Dean * Aunnis của Jaques Garnier

* Acte của R. seyfried

* Carmen của Roland Petit

* Cinderella của M.Corder

* Concerto violin của G. Balanchine

* Coppellia của R.Hynd

* Dove la Luna của J.C.Maillot

* Esplanade của Paul Taylor

* Études của H.Lander

* Firebird của Maurice Béjart

* Firebird của G.Williamson

* Fleure d’Autaune của M.C.Pietragalla * Lễ hội hoa của A.Bournonville

* Giselle của M.Skeaping

* Giselle của Akram

* Ở giữa của W. Forsyth

* J’ai trouvé idée plaisante của J.P.Aviotte

* La Sylphide của A.Bornonville

* Le Corsaire của Anna Marie Holmes

* Les Émigrants của Claude Brumachon * Giai điệu trên chuyển động của M.Corder

* Manon của MacMilan

* Men Men của Wayne Eagling

* Paquita của M.C.Pietragalla / Petipa

* Perpertum Mobile của Christophe Hampson

* Petrushka của Serge

* Raymonda của M? C.Pietragalla

* Độ phân giải của Wayne Eagling

* Romeo & Juliet của Rudolf Nureyev

* Romeo & Juliet của V.Danzig

* Rubbies của G.Balanchine

* Sakountala của M.C.Pietragalla

* Sans Mobile Apparent của Myriam Naisy

* Scheherazade của M.Fokine

* Sinfonietta của Christophe Hampson

* Snow Queen của M.Corder

* Bài ca của trái đất của MacMilan

* Cảm nhận của R.Wherlock

* Gershwin Nghiêm túc của Derek Dean

* Suite en Blanc của Serge Lifar

* Hồ thiên nga của Derek Dean

* The Canterville Ghost của W. Turker

* The Four Temperaments của G.Balanchine

* Kẹp hạt dẻ của Wayne Eagling

* Kẹp hạt dẻ của Christophe Hampson

* Người đẹp ngủ trong rừng của MacMilan

* Nghi thức mùa xuân của Pina Bausch

* Nghi thức mùa xuân của MacMilan

* Tzigane của George Balanchine

* Vita của M.C.Pietragalla

*Ai quan tâm? của George Balanchine

 

Các thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với:

Ths. NSƯT Trần Ly Ly

Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam

ĐT:0903473399

Email:[email protected]

Vui lòng truy cập đường link để xem toàn bộ trailer của chương trình

http://www.fsend.vn/download/QrEm9KuhJPbmX1KwLjeKzrBXi-j-HMx4

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB): Ước mơ trở thành ngọn cờ đầu về nghệ thuật bác học Việt Nam

Gần 60 năm đã trôi qua kể từ ngày thành lập (6/8/1959), Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) ngày nào còn nhỏ bé, giờ đã trở thành một trong những bậc đàn anh, đàn chị về nhạc giao hưởng, hợp xướng và múa ballet hàng đầu của Việt Nam. Dù gặp rất nhiều những khó khăn, thách thức trong guống quay hội nhập và phát triển kinh tế, xã hội, nhưng, VNOB vẫn đang nỗ lực hết sức để chạm vào ước mơ trở thành ngọn cờ đầu về nghệ thuật bác học tại Việt Nam.

Bác Hồ chỉ duy dàn nhạc VNOB thời kỳ mới thành lập

… Từ những ngày đầu thành lập

Với sự quan tâm đặc biệt trong việc tiếp thu những tinh hóa văn hóa thế giới. đi cùng với những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, Dàn nhạc giao hưởng và sau đó là dàn hợp xướng, cũng như Nhà  hát giao hưởng hợp xướng ca vũ kịch Việt Nam, tiền thân của VNOB, được thành lập. Từ thời điểm đó, Dàn nhạc Giao hưởng và Dàn hợp xướng đã xây dựng nhiều chương trình hòa nhạc có giá trị nghệ thuật cao, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Những tác phẩm: Ru con, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, Du kích sông Thao…, đặc biệt nhạc kịch Cô Sao của Ðỗ Nhuận là tác phẩm nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam được dàn dựng công phu, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, tiếp đó là các vở nhạc kịch Núi rừng hãy lên tiếng, Evghenhin Onegine, Bên bờ Krông Pa, Người tạc tượng và các vở vũ kịch Chị Sứ, Phá lao đã tạo tiếng vang trong và ngoài nước. Ðặc biệt, tối 10-9-1960, khi dàn nhạc giao hưởng biểu diễn chương trình chào mừng Ðại hội Ðảng tại công viên Bách Thảo, Bác Hồ đã đến và đứng trên bục cầm đũa chỉ huy bắt nhịp bài Kết đoàn là sức mạnh. Hình ảnh này mãi còn đọng lại trong trái tim ký ức của nhiều nghệ sĩ, dàn nhạc giao hưởng và cũng như công chúng yêu nghệ thuật.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cũng trôi qua một cách hào hùng với các nghệ sỹ -chiến sĩ của VNOB với những cái tên nổi tiếng như Dương Quang Thiện, Nguyễn Hữu Hiếu, Trần Quý, Ðỗ Dũng, Trọng Bằng, Nguyễn Hải, Quốc Hương, Tân Nhân, Quý Dương, Quang Hưng, Trung Kiên, Ngọc Dậu,… trên khắp vùng “đất lửa” Vĩnh Linh hoặc đi dọc đường Trường Sơn…

Hòa bình lập lại, năm 1978, Nhà hát giao hưởng hợp xướng ca, vũ, kịch Việt Nam được đổi tên thành Nhà hát giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam. Từ đó mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ của nhà hát, với nhiều tác phẩm có chất lượng như nhạc kịch Phidelio của LV.Bét-tô-ven, Tiếng hát xanh của Nguyễn Ðình Tấn, Ruồi trâu của Xpa-da-véc-xki, Trương Chi của Văn Hà được dàn dựng và trình diễn rất thành công.

… Đến thành công của ngày hôm nay

Trải qua biết bao thăng trầm, chuyển biến, gần 60 năm trôi qua, VNOB đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Tính đến nay, mỗi năm, trung bình, Nhà hát có khoảng 60 đêm diễn với 30 chương trình khác nhau tại Hà Nội, thu hút hàng vạn khán giả trong nước cũng như người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đến thưởng thức. Bên cạnh đó, Nhà hát còn có rất nhiều chuyến lưu diễn với hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ đông đảo khán giả yêu thích nghệ thuật âm nhạc và ballet cổ điển cũng như múa đương đại.

Sự phát triển mạnh mẽ của mảng nghệ thuật hàn lâm này đã thu hút nhiều biên đạo, chỉ huy, nghệ sĩ nước ngoài đến cộng tác với Nhà hát, giúp làm phong phú hơn các chương trình nghệ thuật, nâng cao trình độ biểu diễn cho tập thể nhà hát. Nhiều tác phẩm xuất sắc đã ra đời tiêu biểu: Em người phụ nữ Việt Nam, Qua miền đất lạ,  Mắt phượng hoàng;  vở Nhạc kịch LuCile, Cuộc sống Pari, Trường học Tình yêu, Kẹp hạt dẻ, …và nhiều chương trình giao hưởng thính phòng như Carmina Burana, giao hưởng số 9… Gần đây nhất, Nhà hát đã phối hợp với đối tác đến từ Nhật Bản xây dựng chương trình “Bản giao hưởng mùa Hạ”, biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong 2 đêm 5 và 6 tháng 6 năm 2018. Đây có lẽ là chương trình biểu diễn có sự góp mặt đông nhất các nghệ sĩ đến từ Nhật Bản với khả năng chỉ huy tài tình của nhạc trưởng Kotaro Kimura, sự góp mặt của nghệ sĩ Piano nổi tiếng Mika Kawasaki và đặc biệt gần 100 thành viên của dàn hợp xướng Xuan Voce Choir & Hanoi Freude Choir, dàn hợp xướng đến từ Nhật Bản- Freude FUKUOKA. Trong thời gian tới, Nhà hát còn phối hợp với nhiều nghệ sĩ khác đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Đức… để xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao.

Bắt nhập trào lưu nghệ thuật múa đương đại thế giới, Nhà hát là một trong những cái nôi tiếp nhận và phát triển múa hiện đại ở Việt Nam. Những năm qua, nhiều nghệ sĩ trẻ của nhà hát đã được cử đi học tập tại Australia, Pháp, Thụy Ðiển, Mỹ… Họ đã góp phần tạo cho múa hiện đại đến gần với công chúng trẻ. Một số tác phẩm múa đương đại đã tỏa sáng bản sắc văn hóa Việt Nam như Hồn Trương Chi, Nguồn sáng, Trường tương tư, Mùa đom đóm… Dự án nghệ thuật học đường Khám phá âm nhạc và múa của nhà hát hay Dance Camp phối hợp với Viện Goethe,… đã, đang và sẽ thu hút hàng chục nghìn học sinh, sinh viên tham dự và được công luận đánh giá là có hiệu quả cao trong việc định hướng thẩm mỹ nghệ thuật bác học với công chúng trẻ.

… Và ước mơ trở thành ngọn cờ đầu

Thời gian tới, VNOB sẽ đưa ra các vở mới được đầu tư kỹ lương như: “Romeo và Juliet” hay “Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris”… cũng như tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm quảng bà văn hóa Việt Nam và nâng cao trình độ diễn xuất cúng như chuyên nghiệp hóa các loại hình vũ kịch, opera, nhạc kịch và giao hưởng.

Không chỉ dừng lại ở đó, VNOB còn quyết tâm sản xuất một tác phẩm lớn bao gồm opera và vũ kịch nhưng là của người Việt. Đây là điều không dễ dàng gì, vì để tập hợp những nhạc sĩ tài năng và cùng nhau xây dựng một tác phẩm Việt Nam sẽ rất khó khăn. Nhưng nếu có sự quyết tâm, đồng lòng và sáng tạo, điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được. Điều đó đã được bà Trần Ly Ly, quyền Giám đốc VNOB, khẳng định, khi nói về việc thực hiện ước mơ trở thành lá cờ đầu trong về nghệ thuật bác học của Nhà hát. Bà chia sẻ: “Loại hình nhạc vũ kịch hàn lâm rất khó tiếp cận với khán giả vì mô hình nghệ thuật này đòi hỏi người xem phải có nhận thức và có hiểu biết. Tuy nhiên, để khán giả có thể đến với loại hình này, trước tiên, cần phải cho ra những sản phẩm hấp dẫn, có nội lực và kỹ năng. Ban đầu là đưa sản phẩm tốt, sau đó phải để khán giả thấy thích, cảm thấy thiếu, cảm thấy đói, cảm thấy khát…Nghệ thuật có cái thú vị hay ở chỗ, đó là nếu bạn ốm bạn gặp bác sĩ nhưng cái ốm của tinh thần vô cùng quan trọng mà con người chúng ta không để ý. Khi ta đói tinh thần, ta cần làm gì, lúc đó chúng ta cần dùng nghệ thuật để chữ lành vết thương tâm hồn”.

Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam Trần Ky Ly tiếp đoàn đại biểu nghiên cứu nghệ thuật tình Chung Nam, Hàn Quốc

Một thực tế cho thấy là loại hình nghệ thuật bác học này ở Việt Nam chưa có đủ điều kiện để phát triển trong khi ở các nước khác, nó là bắt buộc. Trong nhà trường, các học sinh phải trang bị kiến thức về nhạc giao hưởng, vũ kịch. Giao hưởng, hợp xướng, vũ kịch….đều là những loại hình nghệ thuật chưa gần gũi với khán giả. Chính vì thế để tiếp cận khán giả là điều không dễ dàng. Một thực tế là trước đây, truyền thông, báo chí hay truyền hình vẫn chưa đưa ra đường lối để nghệ thuật hàn lâm đến gần với công chúng. Chình vì vậy, Bà Trân Ly Ly cũng cho rằng, với sự ra đời của cách mạng 4.0, việc tận dụng mạng xã hội sẽ phần nào tạo ra hướng tiếp cận với khán giả, tạo cho khán giả thấy sự hấp dẫn, cần đi xem, cần phải hiểu….Song, để làm được điều này đòi hỏi cần có một quá trình dài hơi. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu thị trường và phải hiểu rõ khán giả cần gì. Điều quan trọng là cái khán giả cần thì ta mang đến cho họ, nhưng không được phép rời xa nghệ thuật của mình. Bà Ly khẳng định: “Ở đây có nghĩa là hai bên nghệ thuật sẽ vị nhân sinh và không phải nghệ thuật chỉ vì nghệ thuật. Nghệ thuật vẫn là nghệ thuật nhưng hãy đem đến cho khán giả những điều họ thích”.

Tuyết Hoa

10 vở ballet cổ điển sống cùng thời gian

“Hồ Thiên Nga”, “Cinderella”, “Don Quixote”… là những tác phẩm ballet có sức sống, được yêu thích trên mọi sân khấu vũ kịch thế giới.

Hồ Thiên Nga (Swan Lake)

Nhắc tới nghệ thuật ballet, nhiều người nghĩ ngay tới vở Hồ Thiên Nga. Phần âm nhạc được viết khoảng năm 1875 – 1876 bởi nhà soạn nhạc Pyotr Ilyich Tchaikovsky. Đã có nhiều phiên bản Hồ Thiên Nga khác nhau, nhưng hầu hết các tác phẩm đều dựa trên bản năm 1895 của hai biên đạo Marius Petipa và Lev Ivanov. Vở ballet mẫu mực kể về câu chuyện tình yêu của công chúa Odette (người bị phù thủy biến thành thiên nga vào ban ngày, và trở thành người vào ban đêm) với hoàng tử Siegfried. Đằng sau những vũ điệu bay bổng, lãng mạn là triết lý về thề nguyện và hẹn ước, cái tốt đẹp chiến thắng cái xấu xa, sự hữu hạn và vô hạn của cuộc sống.

Người đẹp ngủ trong rừng (The Sleeping Beauty)

Vẫn là một tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky, Người đẹp ngủ trong rừng ra mắt năm 1890. Tác phẩm dựa trên truyện cùng tên của nhà văn Charles Perrault. Nghệ sĩ Marius Petipa viết lời (libretto) và biên đạo. Vở diễn hoành tráng, với sự tham gia của lượng lớn vũ công, chỉ tính riêng trích đoạn “điệu valse với các vòng hoa” ở hồi I đã phải huy động tới 150 diễn viên múa. Lúc mới ra mắt, tác phẩm bị giới phê bình tẩy chay với lý lẽ nhạc của Tchaikovsky khó để múa. Trái lại, công chúng đón nhận vở diễn nồng nhiệt. Tới nay, tác phẩm vẫn được coi là vở ballet nổi tiếng. Bản thân nhà soạn nhạc Tchaikovsky luôn coi Người đẹp ngủ trong rừng là tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng hay nhất của mình.

Giselle

Giselle còn có tên khác là The Wilis, là vở ballet hai màn do Adolphe Adam soạn nhạc, Jean Coralli và Jules Perrot biên đạo. Kịch bản được viết dựa trên ý tưởng từ một bài thơ của Victor Hugo. Tác phẩm ra mắt năm 1842 tại Paris. Vở vũ kịch khắc họa nàng Giselle – một cô nàng trẻ trung, xinh đẹp yêu thích khiêu vũ. Nàng đem lòng yêu một người đàn ông quý tộc mà không hề biết anh ta đã đính ước với người khác. Đau khổ, Giselle đã tự vẫn. The Wilis là một nhóm gồm các linh hồn nữ định giết người đàn ông quý tộc, nhưng tình yêu của linh hồn Giselle đã cứu anh thoát án tử hình.

Kẹp hạt dẻ (The Nutcracker)

Tuyệt phẩm ballet là sự kết hợp của nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky và hai bậc thầy biên đạo: Marius Petipa, Lev Ivanov. Kẹp hạt dẻ ra mắt năm 1892 tại Nga, ban đầu chưa mấy thành công, nhưng vẫn có sức sống nhờ phần âm nhạc ấn tượng của Tchaikovsky. Tới những năm 1960, vở múa được hoàn thiện, và trở nên nổi tiếng. Tác phẩm được coi là “siêu phẩm ballet” mỗi mùa Noel. Ngày nay, các đoàn ballet tại Mỹ có tới 40% thu nhập nhờ biểu diễn Kẹp hạt dẻ vào dịp Giáng sinh.

Cinderella

Tác phẩm của nhà soạn nhạc Sergei Prokofiev, ra mắt những năm 1900 qua phần biên đạo của Rostislav Zakharov. Dù có nhiều phiên bản khác nhau, song nội dung các vở Cinderella đều dựa trên truyện cổ tích Cô bé lọ lemCinderella được đánh giá cao bởi âm nhạc đẹp, vũ đạo dí dỏm và lãng mạn.

Don Quixote

Vở ballet xuất hiện lần đầu năm 1614 tại Pháp, dựa trên tiểu thuyết Don Quixote nhà quý tộc tài ba xứ Mancha. Nhiều phiên bản khác nhau của Don Quixote đã được dàn dựng, trong đó phổ biến nhất là tác phẩm do Marius Petipa biên đạo. Nội dung tác phẩm trung thành với cốt truyện của nhà văn Cervantes. Trong vở vũ kịch này, nhân vật chính Don Quixote không phải là trọng tâm. Những màn múa đẹp nhất thường được thể hiện bởi cặp nhân vật phụ là Kitri và Basilio. Vũ điệu của Don Quixote sống động, quyến rũ, mang đậm phong cách Tây Ban Nha.

 

Romeo và Juliet

Dựa trên kịch của William Shakespeare, vở ballet có phần âm nhạc được soạn bởi Sergei Prokofiev, biên đọa Leonid Lavrovsky. Tác phẩm được dựng năm 1935, công diễn bản hoàn thiện những năm 1938 tại Czech. Tới 1940, tác phẩm mới được diễn ở Nga vở trở nên nổi tiếng. Romeo và Juliet trung thành với cốt truyện của William Shakespeare, tái hiện bi kịch tình yêu thông qua những vũ điệu bay bổng.

 

La Bayadere 

Ra mắt năm 1877 – giai đoạn mà ballet đi vào thời kỳ lãng mạn, La Bayadere được dàn dựng bởi Marius Petipa, phần âm nhạc của Ludwig Minkus. Nội dung tác phẩm kể câu chuyện tình vĩnh cửu giữa vũ nữ Ấn Độ Nikiya và chiến binh điển trai Solor. Brahmin là tay sỹ quan cao cấp đem lòng yêu Nikiya, bởi thế anh ta sắp xếp một lễ cưới cho Solor với công chúa. Bi kịch tình yêu, sự báo thù diễn ra từ đó. Qua bao thăng trầm, La Bayadere luôn được yêu thích bởi “màn múa trắng”, trong đó 32 phụ nữ mặc đồ trắng với những động tác nhún nhảy tinh tế theo hàng. Màn múa này trở thành một vũ đạo được sử dụng trong nhiều vở ballet.

 

Nàng tiên gió (La Sylphide)

Nàng tiên gió là một trong những vở ballet lãng mạn cổ xưa nhất còn được diễn tới ngày nay. Tác phẩm ra mắt năm 1832 tại Pháp, được biên đạo Filippo Taglioni sáng tạo như một món quà cho cô con gái Marie. Nhằm nhấn mạnh sự mỏng manh của nhân vật, Taglioni đã khai thác tối đa các kỹ thuật nhảy múa bằng ngón chân.

Vở ballet truyền cảm hứng từ phong cách, kỹ thuật múa, trang phục cho nhiều tác phẩm cùng thời. Năm 1836, Nàng tiên gió được nhóm múa Danish August Bournonville dàn dựng lại với phần âm nhạc của Herman Severin Lovenskiold.

 

Coppelia

Vở Coppelia được dàn dựng bởi Athur Saint- Leon, nhạc Leo Delibes, kịch bản ballet Charles Nuitter. Tác phẩm ra mắt năm 1870 tại Pháp. Biên đạo Marius Petipa sau đó đã dựng lại Coppelia vào cuối thế kỷ 19, phiên bản này vẫn được biểu diễn cho tới ngày nay. Vở múa có tiết tấu nhẹ nhàng, giai điệu vui vẻ, kể về trò cúp bắt tinh nghịch của đôi bạn Franz và Swanhilda. Tác phẩm thường thu hút trẻ em bởi những tạo hình xinh xắn. Coppelia là tác phẩm đầu tiên đưa con rối, búp bê lên sân khấu ballet.

Theo vnexpress.net