Tin tức

Nỗi đau của nghệ thuật múa: Chân dung múa

Viettimes – Múa là biểu đạt nội tâm sâu kín của nghệ sĩ, đồng thời nâng tầm nhận thức nghệ thuật của khán giả chứ không phải chỉ là “trang trí” cho bài hát.

Nghệ thuật múa, môn nghệ thuật có sức quyến rũ thu hút bởi cái đẹp lột tả trực diện bằng hình thể, đường nét và ánh sáng, tính sáng tạo mạnh mẽ; được coi như đã tạo ra con đường thanh thoát, kỳ diệu, dẫn khán giả vào cõi tiên – nhưng thực chất là nghề nguy hiểm, ảnh hưởng mạnh mẽ tới sức khỏe và cả tính mạng của nghệ sĩ.

Hiu lm trm trng v ngh thut múa

Hồi ức về múa, với mỗi nghệ sĩ đều là những cuốn tiểu thuyết đẫm đầy chi tiết. Chung sống từ nhỏ với cảnh nước mắt rơi dài trên sàn tập vì những cơn đau xé người; không phải chỉ đau một lần rồi thôi, nỗi đau vì tập múa kéo dài hàng ngày, hàng giờ bởi không thể dừng lại – đồng nghĩa với việc quay về vạch xuất phát, cơ thể sẽ căng cứng và những lần tập luyện tiếp theo sẽ càng đau đớn.

“Để có được một diễn viên đứng trên sân khấu múa, các tài năng nhí cần đưa vào trường từ 10 tuổi, tập luyện tám đến mười năm, sống với những nhân vật, trưởng thành về nội tâm của diễn viên, mới có thể lên sân khấu chuyên nghiệp” – Nhắc đến hy sinh, NSƯT Trần Ly Ly – Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam nói. Trần Ly Ly khẳng định rằng: “Nghệ sĩ múa có thể chịu đựng không biên giới”.

Chỉ đạo nghệ thuật, NSƯT Trần Ly Ly và nghệ sĩ múa Thu Huệ sau đêm diễn Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên

Rất nhiều nghệ sĩ, biên đạo múa đã vượt lên những nỗi đau chấn thương về thể xác và nỗi khó nhọc thường trực trong đời sống để có thể cống hiến cho khán giả những vở diễn tuyệt vời trên sân khấu.

Thế nhưng, dù hy sinh rất nhiều cho niềm đam mê nghề nghiệp nhưng ở Việt Nam, các nghệ sĩ múa đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Nghệ sĩ múa Trần Hoàng Yến – một trong những nghệ sĩ solist và là Phó trưởng đoàn Ballet (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM) kể: “Bẩy năm học ở trường múa mới chỉ là nền tảng ban đầu, còn khi đã về công tác tại nhà hát, tôi phải tiếp tục học từ những vở diễn, và việc tập luyện là hàng ngày, phải rất khắt khe với bản thân. Nhiều khi lên sân khấumà máu vẫn chảy trong đôi giày mũi cứng”.

Đây là những đôi chân đầy thương tích sau mỗi đêm diễn trong đôi giày mũi cứng

Nhưng ở ta hiện tại, cơ hội để công diễn các vở ballet thực sự chưa nhiều. Đối với công chúng, thật buồn là dường như mọi người chỉ biết đến nghệ thuật múa qua những tác phẩm nhỏ mang tính minh họa cho các tiết mục ca nhạc? Thực ra, nghĩ như vậy là hiểu lầm trầm trọng về nghệ thuật múa.

“Múa trang trí cho các tác phẩm âm nhạc cũng cần thiết, để giúp khán giả có cảm nhận tốt hơn về tác phẩm tổng thể. Nhưng múa trang trí không phải là tất cả” – NSƯT Trần Ly Ly nói.

Nhng ngh sĩ thiếu huy chương

Có quá nhiều hạn chế như ít sân khấu, thiếu khán giả, catse nghệ sĩ múa chỉ mang tính tượng trưng. Múa còn đòi hỏi sự sáng tạo không biên giới, cá tính riêng biệt, đức hy sinh, niềm đam mê…

“Thưởng thức ballet, trước tiên có thể thưởng thức phần âm nhạc của nó. Bản thân âm nhạc của vở ballet đã là một tác phẩm tuyệt vời và có thể được biểu diễn riêng độc lập trong các chương trình hòa nhạc. Mọi nội dung và kịch bản cũng được thể hiện trong đó. Từ phần âm nhạc gốc đó có thể sáng tạo hàng ngàn phiên bản múa khác nhau. Đây là nỗ lực của biên đạo múa. Chẳng hạn như tại VN, công chúng được biết đến ít nhất 4 phiên bản khác nhau của vở ballet Kp ht d (nhà soạn nhạc người Nga P. I. Tchaikovsky)” – Nghệ sĩ Trần Hoàng Yến chia sẻ.

Ánh hào quang tỏa sáng và vẫn khó có huy chương

“Bẩy mùa diễn liên tiếp, Kp ht d đều cháy vé. Đó là điều đáng mừng, nhưng ở một thành phố sôi động và có tới 8 triệu dân như TP.HCM thì mỗi năm diễn vở này cho khoảng 1000-2000 khán giả đã phải là con số hợp lý hay chưa?” – Trần Hoàng Yến trăn trở.

Trả giá nặng nề, vượt lên nỗi đau về mặt thể xác và cả tinh thần để có thể cống hiến cho khán giả từng vai diễn. “Sự thật đau đớn là những đánh đổi của nghệ sĩ múa chưa bao giờ xứng đáng với những giá trị mà họ nhận được trong đời sống. Tiền bạc quá nghèo nàn, nếu có được sự tôn trọng thì cũng đành. Tôi là một trong số những người may mắn được mọi người biết đến. Vậy mà thỉnh thoảng, tôi vẫn nghĩ đến chuyện bỏ nghề” – Nghệ sĩ Trần Ly Ly nói.

NSƯT  Trần Ly Ly cho biết thêm: “Có một nghịch lý rất lớn là các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc chỉ có những chương trình ca múa nhạc được tham gia, chưa có điều kiện cho múa thực sự được tham gia, nếu có tiết mục thì BGK cũng không biết chấm theo quy chuẩn nào. Diễn một vũ kịch công sức gấp mười lần tác phẩm ngắn. Nhưng nghệ sĩ đăng ký tham dự liên hoan chỉ cần diễn một tác phẩm 5 phút, lĩnh huy chương thì đủ số lượng để làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSƯT. Còn các nghệ sĩ múa hàng đầu, là solist của các nhà hát hàng đầu thì vẫn thiếu huy chương”.

Múa – môn nghệ thuật quý phái và quyến rũ có thể tổng kết ngắn gọn trong mấy từ: “Chua lắm, đau lắm, mê lắm” – Đó là các cảm xúc mà những nghệ sĩ đam mê múa cảm nhận về công việc của mình. Mặc dù cuộc sống với múa không  hề “ngon ăn” nhưng niềm đam mê nghệ thuật múa vẫn cứ kéo cuộc đời các nghệ sĩ đi theo nhịp điệu sôi động, nhiều khi không cần biết đến ngày mai.

Bài: Hòa Bình

NSƯT Vành Khuyên tham gia biểu diễn tại chương trình Bản giao hưởng số 2 của Gustav Mahler

(Tổ quốc) Tối 14/12, tại Hà Nội, những người yêu nhạc giao hưởng đã có cơ hội được thưởng thức bản Giao hưởng số 2 của Gustav Mahler.

Đây là bản giao hưởng đứng thứ 5 trong danh sách 10 bản giao hưởng vĩ đại nhất mọi thời đại do tạp chí Âm nhạc của đài BBC tổ chức lấy ý kiến thăm dò từ 151 nhạc trưởng lớn nhất thế giới.

Gustav Mahler là nhà soạn nhạc và chỉ huy người Áo. Ông có những tác phẩm đánh dấu sự phát triển tới đỉnh cao của âm nhạc giao hưởng thời kỳ hậu lãng mạn và là một trong số những nhân vật có ảnh hưởng nhiều nhất đối với các nhạc sĩ của thế kỷ 20.

Bản giao hưởng số 2, có tên gọi là Phục sinh, được ông viết vào năm 1894. Tham gia biểu diễn bản giao hưởng có 2 ca sĩ đơn ca, hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng. Đây là bản giao hưởng đầu tiên của Mahler có sự kết hợp giữa thanh nhạc và khí nhạc. Điều này còn xuất hiện trong các bản giao hưởng khác của ông.

Bản giao hưởng số 2 nổi tiếng của Gustav Mahler đã được vang lên hoành tráng tại phòng Hòa nhạc Lớn của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng nổi tiếng người Nhật Honna Tetsuji.

Trả lời về những khó khăn trong thời gian tập luyện, Nghệ sĩ Cello Hoàng Thế Mạnh của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam – một trong những nghệ sĩ tham gia trình diễn trong buổi tối ngày hôm nay cho biết: “Đây là một tác phẩm khó, đòi hỏi kỹ thuật cao, cả nhân tố về con người, về nhạc cụ, vì thế, đối với tôi chương trình đã thành công rực rỡ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của NSƯT Hà Phạm Thăng Long và NSƯT Lê Thị Vành Khuyên. Sự kết hợp giữa Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã để lại nhiều cảm xúc thật dạt dào …”.

Bản giao hưởng có tên là “Phục sinh” nên nó lại càng có ý nghĩ, rất phù hợp với thời điểm hiện tại, trong không khí khi mà mùa giáng sinh đang đến rất gần”, .Nghệ sĩ Cello Hoàng Thế Mạnh nói.

Chị Trần Tuyết Trang (Quận Đống Đa) cho hay: “Tôi rất thích nghe nhạc giao hưởng. Bản giao hưởng tối nay đã đưa tôi tới nhiều cung bậc cảm xúc. Hy vọng, trong thời tới, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ có nhiều chương trình kết hợp như thế này, để những người yêu thích nhạc giao hưởng có cơ hội được thưởng thức”.

Có thể nói, hơn 90 phút diễn ra chương trình, Dàn nhạc Giao hưởng đã đem lại cho những người yêu nhạc giao hưởng một bữa tiệc âm nhạc hùng tráng. Kết thúc chương trình, Dàn nhạc giao hưởng liên tục nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả. Đây thực sự là sự kiện đặc biệt, nổi bật nhất của năm 2018 trong đời sống văn hóa của Thủ đô Hà Nội nói chung và trong đời sống âm nhạc nói riêng.

Lan Anh

Cháy vé vở ballet Kẹp hạt dẻ: Khi nghệ thuật hàn lâm đáp ứng thị hiếu

VOV.VN-Vở ballet “Kẹp hạt dẻ” không còn vé để bán vào đúng đêm đội tuyển Việt Nam có trận cầu quan trọng, không phải là nghiễm nhiên, NSUT Trần Ly Ly cho biết.

Phóng viên VOV.VN có dịp gặp Nghệ sỹ Ưu tú (NSUT) Trần Ly Ly, quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vào một ngày đầu đông lạnh tê tái nhưng từ chị tỏa ra một bầu nhiệt huyết làm ấm cả căn phòng. Biên đạo Trần Ly Ly nở nụ cười rạng rỡ, hồ hởi chia sẻ về thành công của vở ballet “Kẹp hạt dẻ” phiên bản 2018 mang tên “Kẹp hạt dẻ: Giấc mơ thần tiên” do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng khi cả 2 đêm công diễn đều “cháy vé” dù trùng với ngày đội tuyển bóng đá Việt Nam có trận cầu quan trọng để bước vào Chung kết AFF cup.

Nhưng với nhà biên đạo nhiều trăn trở này, thành công đó không tự nhiên mà đến và cũng chỉ là khởi đầu cho hành trình quảng bá rộng rãi hơn nữa ballet nói riêng và nghệ thuật hàn lâm nói chung đến với công chúng.

Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên lấy bối cảnh là gia đình truyền thống Việt Nam

Đối với đại bộ phận khán giả cả nước, có lẽ cái tên Trần Ly Ly một thời được nhắc tới nhiều trong các chương trình giải trí. Nhưng lần này, chị lại khiến khán giả phải xôn xao vì vở ballet “Kẹp hạt dẻ”. Vậy đây có phải là một sự “trở lại” của Trần Ly Ly?

NSUT Trần Ly Ly: Thật ra mình bắt đầu nổi tiếng trong nghề với tư cách là “dân” múa đương đại. Mình dựng những vở múa đương đại và mình là dân cổ điển, được đào tạo cẩn thận, đi học ở nước ngoài cũng học bài bản về cổ điển.

Mình may mắn được công chúng biết đến nhiều hơn vì một thời gian gắn bó với truyền hình qua những chương trình giải trí nhưng bản chất của mình là dân làm nghề chính thống.

Vậy có khi nào chính cái tên Trần Ly Ly khiến “Kẹp hạt dẻ” phiên bản 2018 được thêm phần chú ý?

NSUT Trần Ly Ly: Mình nghĩ là vì xu hướng khán giả đang quay lại với nghệ thuật truyền thống và cổ điển. Bởi vì nói thực, đã qua rồi những trào lưu của showbiz và bây giờ khán giả sẽ quay lại với cổ điển.

Phải chăng vì xu hướng đó mà “Kẹp hạt dẻ” cháy vé?

NSUT Trần Ly Ly: Tại sao “Kẹp hạt dẻ” cháy vé? Đó là do sản phẩm nghệ thuật!

Từ tháng 3 đến giờ chúng tôi đã ra 6 chương trình và dần dần mọi người biết đến chương trình của mình chứ không phải chỉ có chương trình cuối năm nay. Thành công này đến từ những bước đầu tiên như là vở ballet “Chim lửa”, chương trình “Bản giao hưởng mùa hạ”, rồi vở múa đương đại “Đáy mắt”, rồi vở ballet “Bolero & Suite en Blanc”, rồi nhạc kịch “Maria đến từ Buenos Aires” và đến “Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên”.

Không phải tự nhiên mọi người cảm thấy bị thu hút bởi một chương trình. Điều đó rất khó. Đây là một loạt chương trình được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sản xuất trong năm qua. Từ từ, từng bước một, mọi người thấy rằng, nhà hát đã có những bước tiến mới và chất lượng mọi người cảm thấy có sự thay đổi. Vì vậy đến cuối năm “Kẹp hạt dẻ” mới cháy vé.

Ban đầu chúng tôi định diễn 3 buổi nhưng sợ là thu về không thể đủ được thì sẽ phí sức lực của anh em, rồi còn phải trả tiền thuê nhiều thứ. Nhưng cuối cùng lại cảm thấy rất tiếc. Tại sao lại không làm 3 đêm.

Nhưng qua việc đó, mình đong đếm và mình thấy rằng, nhu cầu của xã hội là có. Vậy thì quay lại hỏi chính mình là sản phẩm của mình đã đáp ứng được với xã hội hay chưa, đã đủ hấp dẫn chưa?

Nhưng rất nhiều nhà hát trên thế giới đã dựng vở ballet “Kẹp hạt dẻ”, đặc biệt là vào dịp Giáng sinh. Bản thân Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng đã dựng 2 vở “Kẹp hạt dẻ” rồi. Vậy “Kẹp hạt dẻ” phiên bản 2018 có điều gì hay và hấp dẫn đến thế?

NSUT Trần Ly Ly: Ngay khi nhận nhiệm vụ quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam từ tháng 3/2018, mình đã hối thúc Ban giám đốc cùng toàn bộ đội ngũ sản xuất tư duy về 1 vở “Kẹp hạt dẻ” mang hình thức mới cũng như phương hướng mới, mang hồn vía và cách tiếp cận khác với những năm khác.

Phiên bản 2018 – “Kẹp hạt dẻ: Giấc mơ thần tiên” thực ra được truyền cảm hứng từ nhà biên đạo Pháp Philippe Cohen, người cách đây hơn 10 năm đã đến Việt Nam và xây dựng phiên bản “Kẹp hạt dẻ” đầu tiên. Đó là suy nghĩ về 1 “Kẹp hạt dẻ” cho Việt Nam chứ không phải của nước khác bởi mỗi một vở “Kẹp hạt dẻ” lại phản ánh cảm nhận riêng về đất nước đó.

Từ cảm hứng đó, chúng tôi xây dựng lại một phiên bản mới của năm 2018. Đó là giấc mơ thần tiên của 1 em bé người Việt Nam, trong bối cảnh lễ Giáng sinh ở đất nước Việt Nam.

Đặc biệt là toàn bộ dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, gồm 60 nhạc công dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng tài năng và rất trẻ, Đồng Quang Vinh, đã chơi nhạc sống.

Với chúng tôi, vũ kịch mà có nhạc sống mới là món quà lớn nhất, mang cảm xúc cộng hưởng giữa người múa lẫn người chơi nhạc và khán giả. Điều đó là rất đáng quý. Chính sự phối hợp của hơn 100 người, gồm 60 nhạc công cùng 60 diễn viên và ê-kíp xung quanh để sản xuất đã tạo ra dấu ấn cho “Kẹp hạt dẻ” phiên bản 2018.

Nhưng nếu ngày hôm nay chúng tôi có 1 chút thành công của “Kẹp hạt dẻ” thì đó cũng chỉ là tiền đề để mình nghĩ đến tương lai mà thôi.

Tương lai đó là gì?

NSUT Trần Ly Ly: Ước ao thì lớn nhưng để làm thì phải đi từng bước một. Bởi vì để dựng được một vở nhạc kịch hay opera cần phải đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ và cả tài chính.

2019 là một năm đặc biệt với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam bởi chúng tôi kỷ niệm 60 năm, một chặng đường huy hoàng và đáng phải nhìn lại. Chúng tôi sẽ xây dựng ít nhất là 1 vở Opera và dàn dựng mới vũ kịch “Hồ Thiên nga”.

Hy vọng thiên thời địa lợi nhân hòa thì tháng 10/2019 “Hồ Thiên nga” sẽ ra mắt. Và chúng tôi sẽ không chỉ diễn 1 buổi mà là 1 series. Bởi vì như các nước trên thế giới thì 1 vở người ta diễn mãi, hết mùa này sang đến mùa sau, chứ không phải chỉ diễn 1 buổi, có 500 người trong khán phòng được xem.

Tại sao Nhà hát lại chọn “Hồ Thiên nga”?

NSUT Trần Ly Ly: “Kẹp Hạt Dẻ” chỉ là một câu chuyện nhỏ, là giấc mơ của một em bé, không phải là một vở lớn, chỉ là 1 vở có 2 màn thôi mà mọi người đã thích đến thế. Vậy thì với “Hồ Thiên nga”, vốn là một câu chuyện lớn hơn rất nhiều, bởi vì đó là một huyền thoại cả về văn học, âm nhạc và bản dựng múa của Petipa nữa, mình tin rằng, mọi người sẽ rất thích thú để xem Hồ Thiên Nga của Việt Nam.

Ngoài ra, Nhà hát còn dự định nào không?

NSUT Trần Ly Ly: Làm được 1 vở opera và 1 vở ballet thôi thì gần như chúng tôi không còn sức lực để làm việc gì khác nữa. Chúng tôi phải tập trước từ 4-6 tháng.

Ngay sau vở “Kẹp hạt dẻ” thì 1 bạn phải đi mổ viêm xoang và 1 bạn phải đi chữa lưng.

Nhu cầu của khán giả nhiều như thế mà mình không phục vụ thì đấy là 1 thiếu xót. Tuy nhiên có quá nhiều mắt xích, hơn 100 người, chỉ cần 1 mắt xích lỏng thôi cũng đã khó khăn lắm rồi.

Dường như chị có rất nhiều trăn trở trên cương vị mới?

NSUT Trần Ly Ly: Thực ra ở các nhà hát lớn trên thế giới, việc dành 100% sức lực cũng như đầu tư đặc biệt cho ngành nghệ thuật đặc biệt này phải khác, rất khác.

Chúng ta không thể đổ đồng một diễn viên múa ballet với 1 diễn viên múa thông thường. Các vũ công ballet có ít nhất 8 năm được đào tạo trong nhà trường, ngoài ra còn 4 năm học tiếp, và để ra nghề phải là mười mấy năm học tập và luyện tập một cách khắc nghiệt. Cũng như vậy, 1 nhạc công của dàn nhạc giao hưởng phải học ít nhất 16 năm. Chúng tôi cần những cơ chế đặc biệt.

Thứ nhất là về độ tuổi. Sau tuổi 40, các diễn viên ballet gặp vấn đề về xương cốt, sức khỏe bởi vì họ phải đứng trên đầu mũi chân làm cho cột sống không được tốt. Mỗi ngành nghề có đặc thù riêng. Người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho ballet, rồi đến 40 tuổi không thể múa được nữa, thì không thể như công chức là làm việc đến 60 tuổi. Vì thế phải có chế độ cho những người làm nghề đặc biệt.

Thứ hai, giá trị về danh dự và tiền lương của các bạn cũng phải rất đặc biệt. Chúng ta không thể đổ đồng mùa chi trả cho 1 diễn viên, tất cả như nhau. Tôi nghĩ rằng, như thế dần dần chúng ta sẽ mất những tài năng và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vô cùng khó khăn để giữ lại được những người có tài bởi ngoài đam mê thì họ còn phải sống.

Thứ ba, mỗi một dự án phải mất ít nhất từ 4-6 tháng để hoàn thành. Ví dụ như từ bây giờ, chúng tôi đã phải lên kế hoạch là năm sau sẽ làm việc với ai, đạo diễn nào, biên đạo nào, nhạc sỹ nào, họ có đủ thời gian về với chúng ta không. Họ có đủ thời gian thì họ có đủ hiểu người Việt Nam hay không bởi có nhiều người rất tài giỏi trên thế giới những lại không hiểu cách làm việc của chúng ta thì cũng khó thành công.

Mỗi một phút trên sân khấu là chúng tôi phải luyện hàng tuần, hàng tháng. Đó là con tim, là khối óc, là cảm xúc, là độ tinh tế, không phải nói làm là làm được mà phải ngấm dần qua cuộc đời. Đến lúc “quả chín” thì công chúng mới được thưởng thức nghệ thuật nó là như thế nào. Cho nên công chúng càng hiểu thấu người làm nghề thì mới càng trân trọng nghề. Mà càng như thế mới càng thấy cái đẹp của nghệ thuật là vô cùng.

Xin cảm ơn biên đạo Trần Ly Ly về cuộc trò chuyện này!

Sao Chi/VOV.VN

Bản giao hưởng số 5 cung đô thứ ‘định mệnh’ của Beethoven

Kỷ niệm 191 năm ngày mất của nhạc sĩ thiên tài Beethoven và 210 năm bản giao hưởng số năm “Định mệnh” của ông được công diễn lần đầu, chúng ta cùng nhìn lại bản giao hưởng này qua phân tích của các chuyên gia về nhạc giao hưởng.  Lugwig van Beethoven (1770 – 1827), nhạc sĩ thiên tài của thế giới sinh ra tại ngôi làng nhỏ Rajna của nước Đức và trải qua hầu hết cuộc đời ở thủ đô Viên (Áo), là quê hương của Mozart và là nơi được coi là thủ đô âm nhạc thế giới.

Beethoven sinh ra chịu nhiều đau thương về tinh thần cũng như thể xác như đại thi hào Goethe – nhà thơ Đức vĩ đại đã viết: “Cả cuộc đời Beethoven như một ngày trọn vẹn đầy dông tố”. Nhưng người nhạc sĩ thiên tài đó có nghị lực phi thường đã vượt lên tất cả để chiến thắng số phận cay đắng và nghiệt ngã của mình và để cống hiến trọn đời mình cho nền âm nhạc thế giới. Dường như những đau thương, bất hạnh mà ông đã trải qua trong cuộc đời đã được dồn nén vào trong tâm hồn nhạc sĩ, được ủ bằng một loại “men” lãng mạn hùng tráng đặc biệt đến một độ nhất định để rồi bứt phá và vút lên thành những giai điệu vừa du dương tuyệt vời nhất.

Beethoven được đánh giá là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Khi mới lên 8 tuổi, ông đã biểu hiện ra là một thần đồng về âm nhạc qua việc chơi đàn piano. Năm 14 tuổi đã viết và biểu diễn thành công 3 bản sonata cho đàn piano. Beethoven không chỉ là một nhạc sĩ thiên tài mà còn là người đầu tiên cảm nhận sâu sắc về vai trò của âm nhạc đối với quảng đại quần chúng và là tài sản văn hóa của nhân loại.

Có lẽ vì như vậy nên ông đã để lại một khối lượng sáng tác đồ sộ là 135 tác phẩm bao gồm các thể loại nhạc kịch (opera), nhạc múa (ballet), 10 bản giao hưởng (symphony), nhạc thính phòng (camarazene), khúc cầu kinh (mise), song tấu (duo), tam tấu (trio), tứ tấu (kvartett), 15 bản sonata, chưa kể các tiền tấu, hát bè, phổ nhạc thơ… Ông đã sáng tác cả những khi ông hoàn toàn điếc, mù và quằn quại trong đau đớn để hôm nay chúng ta được hưởng thụ những bản nhạc bất hủ của ông mà ai cũng đã từng nghe đi nghe lại và mê đắm trong đó như bản giao hưởng số 3 “Anh hùng ca”, bản giao hưởng số 6 “Đồng nội”, bản sonata “Ánh trăng”, bản sonata “Mùa xuân”, bản giao hưởng số 9…

Có một bản giao hưởng của Beethoven được trình diễn nhiều nhất ở nhiều nơi trên thế giới, đến mức một đứa trẻ sinh ra trong một làng quê nghèo cũng có thể cất lên giai điệu mở đầu của bản nhạc khi cao hứng với thành quả nào đó của mình, đó là bản giao hưởng số 5 cung Đô thứ “Định mệnh”. Đây là tác phẩm được ông sáng tác trong thời kỳ thính lực của ông bắt đầu suy giảm rồi dẫn đến điếc hoàn toàn.

Tác phẩm như một dự cảm về định mệnh của cuộc đời ông và bản nhạc đã thể hiện đúng như những gì mà ông đã trải qua. Tác phẩm gồm 4 chương đã được công diễn lần đầu tại Viên (Áo) cách đây 210 năm, vào ngày 22/12/1808.

Bài viết này xin được giới thiệu với độc giả những giai điệu du dương của bản giao hưởng số 5 của Beethoven do Dàn nhạc giao hưởng Viên trình diễn tại nhà hát giao hưởng Viên, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Christian Thielemann. Toàn bộ tác phẩm được trình diễn trong khoảng thời gian 35 phút, bao gồm bốn chương bắt đầu ở các mốc thời gian là:

Chương thứ nhất: Allegro con brio

Chương thứ hai: Andate Con moto

Chương thứ ba: Scherzo Allegro

Chương thứ tư: Allegro

Theo các chuyên gia về âm nhạc thì trong tác phẩm này, những nguyên tắc cải tiến của nhạc sĩ đã trở thành một công thức hoàn chỉnh kinh điển. Giao hưởng số 5 là “bản giao hưởng bi kịch” trong ý nghĩa cao quý cổ đại của danh từ ấy. Tất cả các chương của vở bi kịch này đều xuyên qua một trục phát triển kịch chung. “Qua cuộc đấu tranh đến thắng lợi”, “Từ tăm tối – ra ánh sáng”.

Tư tưởng triết lý chung của bản giao hưởng số 5 được áp dụng để diễn đạt là như thế. Đó là sơ đồ của nội dung và hai phần ngoài cùng của nó, còn phần giữa là cả một cảnh tượng của cuộc đấu tranh sống còn phức tạp và toàn diện đang phát triển. Những thời điểm cao trào trong cuộc đời con người được mô tả rất rõ trong bản giao hưởng, đó là khi một ai đấy buộc phải tham gia vào cuộc đấu tranh cho việc thực hiện lý tưởng, định mệnh, đấu tranh cho cái “tôi” của mình, tham gia cuộc đấu tranh mà có thể báo trước cái chết, nhưng không thể từ nan và kết thúc bằng thắng lợi của tinh thần đạo đức.

Tư tưởng hùng vĩ và cao cả được thể hiện dưới một hình thức rõ ràng kinh điển, cân đối, mạch lạc, logic và cô đọng, rất đời thường nhưng lại rất phi thường. Từ những bước chân rụt rè và tiếng gọi yếu ớt cho đến hành động dứt khoát của chiến sĩ trên yên ngựa phi nước đại và tiếng kèn xung trận ngân vang, từ những day dứt dồn nén trong lồng ngực đến cảm giác như tiếng thét vỡ òa trong lồng ngực… Nhờ những phẩm chất ấy bản giao hưởng số 5 đã trở thành loại kiểu mẫu, một tiêu chuẩn nhạc giao hưởng của thế kỷ 19.

Đúng như tên của bản giao hưởng, chủ đề “định mệnh” như một dự cảm mới về sức mạnh mới, một niềm kiêu hãnh và báo trước một thắng lợi sẽ xuất hiện. Ngay trong chương I, bên cạnh những giai điệu khẩn khoản dè dặt, du dương của chủ đề phụ là nền nhạc đặc biệt xuyên suốt của chủ đề chính, đó là sự tích lũy dần yếu tố căng thẳng, mãnh liệt dồn vào một dòng nhạc thống nhất, để rồi motiv định mệnh vang lên, tượng trưng cho giờ phút thử thách nghiêm trọng, tiếp theo là sự tan vỡ đột ngột thể hiện bằng sự đau buồn réo rắt quặn lòng người nghe.

Có dòng âm thanh như đề cập đến một khía cạnh mới của tư tưởng trong tác phẩm. Theo đó, người nghe có thể cảm nhận được những tư tưởng cao thượng, những cảm xúc nồng nhiệt của nhân vật trong bản hùng ca với trái tim yêu thương nhân loại. Nhân vật đó chính là Beethoven. Người nghe thấy rõ những khúc biến tấu thay đổi cho nhau, luân chuyển, lúc du dương, êm ái (alto và cello) đầy tính chất quả cảm cao thượng, khi thì lại như một bài ca kêu gọi với nhịp điệu diễu hành oai nghiêm, trang trọng, âm thanh kèn hiệu làm chúng ta tưởng tượng ra vị anh hùng xông trận.

Ở phần tiếp theo, những giai điệu hồi hộp lo lắng, âm điệu khẩn cầu rồi tiếp đến là âm điệu hào hùng như thác đổ thể hiện rõ nét. Người nghe sẽ cảm nhận được những tiếng ồn ào của đám đông bật dậy sau những âm thanh khẽ khàng thánh thót của tiếng chuông ngân, giống như sự sống trỗi dậy sau khoảng lặng im của tạm thời của sự bất tỉnh.

Sự bật dậy lúc đầu còn thầm kín, sau chuyển sang âm hưởng của một cuộc chiến đấu sôi động đang sắp sửa nổ ra. Chương 3 chính là chuẩn bị cho màn kết của bản giao hưởng, đó cũng là chương trình diễn những kết quả huy hoàng của cuộc chiến.

Chương 4 được xem như một bài hát hùng tráng ca ngợi con người đã chiến thắng cho cuộc đấu tranh cho những lý tưởng nhân đạo cao quý, cho giá trị nhân văn đích thực – bản thể người. Chính vì thế mà chương này đồ sộ như một khúc khải hoàn tường thuật về sức mạnh tinh thần con người.

Không thể đếm xuể đã có biết bao lời ca ngợi bản giao hưởng tuyệt vời này khi thính giả đắm mình trong bản nhạc để nghe những giai điệu cứ dâng trào lên cao mãi, cao mãi, đưa đẩy thính giả vào cõi vô tận và mãnh liệt của thế giới tâm linh, làm cho ai cũng có thể cảm nhận được những điều bình dị như nỗi buồn đau và niềm vui hạnh phúc đan quyện vào nhau, ôm ấp lấy thân phận mình một cách cao thượng bằng những âm điệu tuyệt vời. Đúng như lời một tác giả đã mô tả về bản nhạc: “Như ánh sánh rực rỡ chiếu xuyên qua màn đêm thăm thẳm, và lúc ấy ta mới nhận ra bóng tối khổng lồ đang lắc lư tới lui đã bao trùm lên ta, huỷ diệt mọi thứ bên trong ta chỉ trừ nỗi đau của niềm khắc khoải vô tận – cái khắc khoải mà trong đó mọi sự ngân lên trong cung bậc hân hoan đều bị dìm xuống và chết lịm, và chỉ qua nỗi đau ấy – cái thống trị nhưng không huỷ diệt tình yêu, hy vọng và niềm vui – ngực ta như muốn nổ tung bởi hơi thở dồn dập trong những hoà âm tràn ngập âm thanh của niềm đam mê, chúng ta bám lấy cuộc sống và trở thành người nắm giữ linh hồn”.

Giao lưu bóng đá Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam: Gừng càng già, càng cay

Nhân dịp Kỷ niệm ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12) và cổ vũ cho ĐTVN trước trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018, Công đoàn Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã tổ chức giao lưu bóng đá giữa các cán bộ, nghệ sĩ, nhân viên của Nhà hát tại Trường 10-10.

Tham dự trận bóng đá có đại diện các đoàn hát, nhạc, múa cũng như các phòng, ban của VNOB. Các cầu thủ – nghệ sĩ được chia làm 2 đội. Đó là đội lão tướng (mặc trang phục màu cam ) và đội trẻ (trang phục màu xanh). Đặc biệt, lần đầu tiên đoàn múa cử thành viên tham dự mặc dù với diễn viên múa ballet, đá bóng dường như là điều bất khả thi.

Cầu thủ của đội trẻ đang chuẩn bị giao bóng

Mở đầu trận giao lưu, các cầu thủ đội trẻ, với thể lực tốt, đã lao lên tấn công, áp đảo đội lão tướng. Chỉ trong vòng hiệp 1, đội trẻ đã ghi được 3 bàn thắng. Tuy nhiên, không hổ danh là gừng càng già càng cay, cho dù tuổi tác chênh lệch khá nhiều so với đội trẻ, các “lão tướng” cũng đã tràn lên phản công và khiến cho đội trẻ vài trùng lại.

Một pha chuyền bóng rất đep của đội trẻ

Chung cuộc, 2 đội hòa 5-5. Người ghi nhiều bàn thắng nhất là cầu thủ Phạm Văn Vĩnh, thuộc đội trẻ, của phòng Hành chính – Tổng hợp với 2 bàn thắng. Các bàn thắng còn lại chia đều cho cầu thủ 2 đội.

Tuy chỉ là trận giao hữu, nhưng hai đội bóng đá nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các cán bộ, nghệ sĩ, nhân viên của VNOB. Đặc biệt, hai đội đã nhận được sự động viên, khích lệ của lãnh đạo Đảng và chính quyền của Nhà hát. NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc VNOB, cùng bí thư đảng ủy và Phó Giám đốc cũng như Chủ tịch Công đoàn đều có mặt và cổ vũ suốt trận đấu.

Các cổ động viên xinh đẹp

Chương trình giao lưu bóng đá của Công đoàn đã và đang giúp cho đời sống tinh thần của cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên và nhân viên của Nhà hát từng bước được cải thiện, nâng cao tình đoàn kết và sự gắn bó với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Dưới đây là clip ghi 2 bàn thắng đầu tiên của cả 2 đội

 

Tuyết Hoa

Thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú

(Tổ Quốc) -Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai.

Quyết định nêu rõ việc thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai(Hội đồng) để giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai.

Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.

Phó Chủ tịch Hội đồng gồm bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên.

Ủy viên Hội đồng (17 người) gồm các nhà quản lý như ông Bùi Trường Giang, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lương Hồng Quang- Vụ trưởng Vụ Thi đua- Khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước. Ngoài ra, Ủy viên Hội đồng là các nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, viện trưởng các viện nghiên cứu…

Quyết định nêu rõ, Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai.

Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc: các phiên họp Hội đồng phải có ít nhất 75% tổng số thành viên của Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền.

Các cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu phải được ít nhất 90% số phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng có tên trong Danh sách quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ kết luận, kiến nghị của Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và tiêu chuẩn đối với từng danh hiệu, Hội đồng tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín đối với từng cá nhân được đề nghị, lập Danh sách các cá nhân được đề nghị tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và thông báo công khai Danh sách này trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ khi có kết quả xét tặng của Hội đồng.

Sau khi tổng hợp kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú và tham khảo, tiếp thu ý kiến trên các phương tiện truyền thông đại chúng (nếu có), Hội đồng gửi hồ sơ đến Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, trình Chủ tịch nước./.

Sân khấu Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên 2018: Đèn lồng và nón lá

Để đưa Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên 2018 đến gần với công chúng Việt Nam, đạo diễn – biên đạo múa Lưu Thu Lan đã đưa ra ý tưởng sử dụng đèn lồng và nón lá làm chủ đạo trên sân khấu của vở ballet.

 

Sân khấu Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên sẽ lấy đèn lồng và nón lá làm chủ đạo

Tiếp thu ý tưởng của biên đạo múa Lưu Thu Lan, thiết kế sân khấu , họa sĩ Nguyễn Công Hoan, đã dàn dựng hàng loạt đèn lồng trên sân khấu của vở diễn sắp tới. Bên cạnh đó, cây thông Noel cũng được pha trộn theo phong cách người Việt với những chiếc nón lá.

Những chiếc nón lá đang được các “phù thủy” của VNOB hóa phép

Để chuẩn chị một cách chu đáo nhất cho sân khấu tráng lệ của Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã chuẩn bị tới hơn 500 nón lá các loại cùng gần 50 đèn lồng. Hiện, các họa sĩ của Nhà hát đang làm việc hết sức tích cực cả ngày lẫn đêm để chuẩn bị cho sân khấu có một không hai của Kẹp hạt dẻ ở Việt Nam.

Tuyết Hoa

12 học sinh năng khiếu của trường múa tham gia vào Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên

Thông tin từ NSƯT Nguyễn Ngọc Cần tiết lộ sẽ có 12 hoc sinh năng khiếu của trường múa, ở lứa tuổi từ 14-15 sẽ tham gia trong vở ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng, trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 5, 6 tháng 12 tới.

Các em đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho đêm diễn

Được biết các em đều là học sinh năm thứ 2 của trường múa, rất đam mê với nghệ thuật ballet. Hiện tại, cả nhóm đang tích cực tập luyện dưới sự dẫn dắt của NSƯT Nguyễn Ngọc Cần tại trường Múa và sân khấu Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Sau khi tập riêng, các em sẽ bước vào ghép chương trình cùng các nghệ sĩ múa. Hầu hết khi được hỏi, các em đều rất phấn khích và hồi hộp chờ đến đêm diễn. Các em hy vọng những vũ điệu của mình sẽ được khán giả đón nhận một cách nhiệt tình.

Tuyết Hoa

NSƯT Trần Ly Ly đạo diễn ‘Hà Nội, ngày… tháng… năm’

Nhận lời mời của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đã trở thành tổng đạo diễn kiêm biên đạo múa của chương trình biểu diễn nghệ thuật mang tên “ Hà Nội, ngày…. tháng …. năm” vừa diễn ra rất thành công tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô.

“Hà Nội, ngày… tháng… năm” tái hiện những thanh xuân đẹp đẽ, những tình tự về Hà Nội. Chương trình mang hơi hướm nhạc kịch với sự đan xen giữa âm nhạc, múa và hoạt cảnh, mang hơi hướm nhạc kịch broadway, với tổng thể nhiều tiết mục trình diễn kết nối với nhau bằng một câu chuyện mạch lạc về Hà Nội.

Một cảnh trong chương trình

Thông qua câu chuyện tình yêu của một đôi bạn trẻ xuyên suốt tác phẩm, Hà Nội, ngày… tháng… năm… Những thanh xuân rực rỡ đã phác thảo một Hà Nội xưa cũ thanh lịch, một Hà Nội đổ nát bởi chiến tranh, một Hà Nội mạnh mẽ đứng dậy, và một Hà Nội trẻ trung, phát triển mạnh mẽ của hôm nay. 80% ca khúc trong chương trình là những ca khúc mới sáng tác như: Khúc tráng ca Hà Nội, Cuộc đời tôi, Lá thư viết vội, Hà Nội, ngày… tháng… năm, Giấc mơ tôi

Trong tình trạng đại đa số các đơn vị dàn dựng chương trình dự thi theo cách cũ kỹ, thậm chí lạc hậu, phong cách hơi hướm broadway của Hà Nội, ngày… tháng… năm đã được ghi nhận.

Dù không có lời thoại, nhưng sự đặt để, sắp xếp các ca khúc đã toát lên một tinh thần “rất Hà Nội”. Ở đó vừa có những nét đẹp Tràng An, vừa có những cảm xúc về tình yêu, tuổi trẻ, sự nhiệt huyết.

Sau khi xem xong chương trình, khán giả Vũ Việt Hưng chia sẻ: “Hà Nội, ngày…tháng…năm…” là một chương trình hay tới mức tôi bật khóc ngay từ khi bắt đầu, một sự công phu đến kinh ngạc về nội dung, âm nhạc, biên đạo và đặc biệt là yếu tố ánh sáng kịch trên sân khấu âm nhạc”.

Trong Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc 2018 vừa diễn ra, Hà Nội, ngày… tháng… năm… Những thanh xuân rực rỡ nhận được nhiều phản hồi tích cực, và đã đoạt Huy chương Vàng.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh: “Thành công của Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên hy vọng sẽ góp phần đẩy nhanh hơn quá trình phổ cập hoá nghệ thuật Hàn lâm ở Việt Nam”

Là một trong những nhạc trưởng trẻ gặt hái được nhiều thành công, nhưng cũng rất cá tính khi từ chối lời mời làm việc ở nước ngoài với mức lương cao gấp 50 lần so với trong nước, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh luôn thể hiện mong muốn được cống hiến và góp phần đưa nhạc giao hưởng đến gần hơn với công chúng Việt. Nhận lời mời của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) về chỉ huy dàn nhạc giao hưởng cho Vở ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên phiên bản 2018, ông đã chia sẻ với PV những suy nghĩ của mình về vở ballet nói riêng cũng như nền nghệ thuật hàn lâm nói chung:

– Là một nhạc trưởng tài năng của làng âm nhạc Việt Nam, ông có thể cho biết lý do ông nhận lời chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) cho vở diễn Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên năm 2018?

– Năm 2016, tôi từng hợp tác rất thành công với VNOB với phiên bản “Kẹp hạt dẻ” phiên bản rút gọn. Có lẽ đây cũng là một trong những dấu ấn để năm 2018 này tôi tiếp tục được giám đốc VNOB, NSƯT Trần Ly Ly mời chỉ huy dàn nhạc cho chương trình biểu diễn Kẹp hạt dẻ phiên bản Giấc mơ thần tiên. Ballet và Opera là hai đỉnh cao của âm nhạc hàn lâm. Dưới nhiều góc độ, hai thứ nghệ thuật này khó hơn cả chơi giao hưởng. Với nhạc trưởng, chỉ huy những tác phẩm giao hưởng chỉ phải thuộc bài và biểu diễn những tác phẩm với tốc độ và yêu cầu hợp lý theo yêu cầu của mình, nhưng khi chỉ huy những tác phẩm Opera và Ballet thì phải theo hơi thở, nhịp điệu của nghệ sĩ Opera và nghệ sĩ múa, đồng thời phải hiểu kỹ thuật thanh nhạc và kỹ thuật múa. Về mặt nội dung, một vở Opera hay Ballet chứa đựng một khối lượng thông tin và giá trị nghệ thuật lớnvà phức tạp vì có sự kết hợp giữa các loại hình. Một tác phẩm Opera hay Ballet thường có cốt chuyện chặt chẽ, nhiều màn, nhiều cảnh, nhiều nhân vật, lời thoại, nhạc công, nhạc cụ, đạo cụ, phục trang, thiết bị âm thanh, anh sáng v.v…Có thể nói những vở Ballet, Opera là kết tinh nghệ thuật có kết cấu phức tạp nhất trong những tác phẩm nghệ thuật âm nhạc. Đây cũng là sự thử thách bản thân mang tính thử lửa đối với người nhạc trưởng. Vì lẽ đó, tôi thấy rất vinh dự, và cũng rất thú vị khi được phiêu lưu trong những tác phẩm kinh điển lớn nhất của thế giới này tại Việt Nam.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh từng chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam năm 2017

Được biết đây là lần đầu tiên, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đưa phiên bản gốc của Mariinsky vào Kẹp hạt dẻ. Ông có thể cho biết ý kiến của mình về sự thay đổi này?

– Đây là một lựa chọn tuyệt vời. Những phiên bản được nhà hát Vũ kịch Mariinsky chọn lựa trình diễn luôn là những phiên bản kinh điển bậc nhất thế giới. Phiên bản này được nhạc trưởng thần tượng của tôi Valery Gergiev chỉ huy. Ông là một tấm gương mà tôi luôn phấn đấu học theo, không phải chỉ về trình độ chuyên môn siêu việt, mà còn cả cách ông tổ chức, lãnh đạo, xử lý công việc và cuộc sống. Ông vừa mang dòng máu Nga, từ nhỏ đã thuộc lòng những giai điệu kinh điển của các vở Opera, Ballet xứ sở Bạch dương, lại vừa là giám đốc Nhà hát Vũ kịch Mariinsky. Ngoài ông ra không còn ai có thể phù hợp hơn trong việc đưa ra những lựa chọn, cách xây dựng tác phẩm một cách chuẩn xác và phù hợp nhất, cả về mặt chất lượng chuyên môn và về sự chỉ đạo công việc marketing. Việt Nam có một bối cảnh lịch sử xã hội hoàn toàn khác nước Nga, với thị hiếu âm nhạc rất khác nước Nga – một đất nước đã có vài trăm năm lịch sử nghệ thuật hàn lâm. Họ luôn giành một tình yêu lớn cho Ballet, Opera nói riêng và nghệ thuật hàn lâm nói chung, và đương nhiên sự đầu tư về kinh tế cũng là rất lớn. Việt Nam cũng đang dần dần từng bước đầu tư cho nghệ thuật Hàn lâm. Đương nhiên chúng ta sẽ cần thời gian để từng bước đưa nghệ thuật này (trong đó có nhạc giao hưởng, Opera, Ballet …) đến với nhiều khán giả hơn. Khi được biết VNOB sẽ làm Ballet “Kẹp hạt dẻ” phiên bản Mariinsky, tôi thấy rất mừng vì đây là một bước đột phá. Nó chứng tỏ rằng chúng ta đã sẵn sàng đầu tư lớn hơn cho những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Với tâm huyết của lãnh đạo cũng như tập thể nghệ sĩ, với tinh thần làm việc rất chuyên nghiệp của VNOB, “Kẹp hạt dẻ” phiên bản Mariinsky lần đầu tiên biểu diễn ở Việt Nam hy vọng được khán giả đón nhận một cách nhiệt tình và sự thành công của nó sẽ góp phần đẩy nhanh hơn quá trình phổ cập hoá nghệ thuật Hàn lâm vào xã hội Việt Nam.

Theo ông, những nhạc cụ nào sẽ đóng vai trò chính trong dàn nhạc của Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên phiên bản 2018 và tại sao?

– Tất cả các nhạc cụ Tchaikovski đưa vào tác phẩm của mình đều ko có một nhạc cụ nào thừa cả. Trừ điều này ra trong “Kẹp hạt dẻ”, ngoại trừ sự sắp xếp các nhạc cụ độc tấu xen kẽ một cách rất khéo léo giữa các bộ dây, gỗ, đồng và gõ, Tchaikovsky dùng rất nhiều những nhạc cụ gõ. Bộ gõ là một thành viên rất quan trọng trong dàn nhạc từ giữa thế kỉ 19 trở đi, với rất nhiều nhạc cụ gõ mới có âm sắc cực kì phong phú độc đáo dần dần được đưa vào dàn nhạc. Tchaikovsky đã sử dụng rất thành công những nhạc cụ gõ màu sắc để xây dựng thành công những hình ảnh nhân vật: đàn phím Celesta gắn với cảnh “Dance of the Sugar Plum Fairy” với hình tượng diễn viên múa nữ chính trình diễn điệu nhảy solo của mình với những cảm giác thần thoại huyền bí nhưng rất trong sáng. Tháng 10- 2018, tôi đã có dịp được chạm vào và chơi cây đàn Celesta được trưng bày tại bảo tàng nhạc cụ thuộc Nhạc viện Tchaikovsky tại thành phố Moscow. Đây là cây Celesta đầu tiên trên thế giới được Tchaikovsky giữ bí mật đến tận trước khi công bố đêm diễn đầu tiên (world premier) của Ballet “Kẹp hạt dẻ”. Nhạc cụ này có lúc được thay thế bởi Glockenspiel (một cách gọi khác là Campanelli) trong nhiều phiên bản khác nhau của “Kẹp hạt dẻ” khi không có nhạc cụ Celesta. Bên cạnh Celesta và Glockenspiel, hai cây đàn Harp là nhạc cụ không thể thiếu mang lại những thang âm thần tiên cùng hình ảnh thiếu nữ trong sáng ở nhiều chương nhạc. Tại Việt Nam, không phải lúc nào cũng dễ kiếm được đàn Harp cũng như nghệ sĩ chơi đàn Harp. Năm 2016, chúng tôi có may mắn mời được nữ nghệ sĩ Chloe Morel người Pháp chơi đàn Harp 1 và Ryoko Boumuki chơi Harp 2 bằng keyboard điện tử. Hiện tại, có Harp hay không chúng tôi xin phép giữ bí mật đến phút cuối. Ngoài những nhạc cụ đặc sắc trên, nhiều nhạc cụ khác ở bộ Gõ và bộ Gỗ cũng đem lại hương vị cho những điệu múa và lời hát dân gian như: mõ Castanet trong “Le chocolat” với hình ảnh đất nước Tây Ban Nha, chuông Tambourine trong “Trépak” kết hợp nhịp nhàng với điệu múa Nga và trong “Le Café” miêu tả thành công những điệu múa gợi cảm của những vũ công Ả Rập, cồng Tam Tam xuất hiện trong nhiều cảnh đặc tả cảm giác bóng đêm, không gian rộng lớn bao trùm cùng sự đe doạ … Ngoài ra sáo flute miêu tả rất sinh động hình ảnh những chú bé mục đồng trong “Les Mirlitons” và sáo piccolo thì đặc tả thành công những cú lộn nhào và những màn trêu đùa của những chú hề Trung Quốc trong “Le Thé”. Có thể nói Tchaikovsky cũng là một bậc thầy tầm cỡ thế giới của lĩnh vực phối khí.

– Sẽ cần một quy mô dàn nhạc với bao nhiêu nhạc công, thưa ông?

– Đây là một dàn nhạc 2 quản quy mô lớn, với khoảng 60 nhạc công biểu diễn.

Ông có ý định làm mới hay tạo ra một nét riêng cho phiên bản gốc Marinsky của Nga trong Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên năm nay?

– Tôi được mời lần này với vai trò nhạc trưởng, chủ yếu phụ trách phần dàn nhạc. Với âm nhạc hàn lâm, một thứ âm nhạc vốn nghiêm khắc không được phép tự ý phá cách, đặc biệt với một phiên bản đã được trình diễn thành công trên thế giới, tôi sẽ không đưa thêm một sự thay đổi nào về mặt phối khí và biểu diễn đối với dàn nhạc. Sự thay đổi chủ yếu nằm ở phần múa, biên đạo sẽ dựng lại với nội dung và hình thức phù hợp với bối cảnh xã hội Việt Nam. Phần phối khí và kết cấu kinh điển của “Kẹp hạt dẻ” theo phiên bản Mariinsky” sẽ được giữ nguyên. Tuy nhiên, việc không thay đổi trên không đồng nghĩa với sự đơn giản và việc không có sáng tạo. Ngược lại, nó còn khó hơn là người ta tưởng. Vì khi biểu diễn một tác phẩm kinh điển thế giới, bạn sẽ phải đối mặt với sự so sánh. Phiên bản “Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên” sẽ được khán giả và các đồng nghiệp mang ra so sánh một cách rất tự nhiên với những phiên bản họ đã từng xem, mà phần lớn là các phiên bản nổi tiếng thế giới. Ở Việt Nam, những tác phẩm thế này không được diễn nhiều, nên không có nhiều phiên bản. Làm thế nào để vừa không bị chê mà ngược lại lại được khen là có sáng tạo trong hơi thở, trong cách xử lí sự đối tỉ về cường độ và tốc độ giữa các cảnh, các màn, giữa các nhân vật, là điều mà tôi luôn đau đáu hướng về. Tuy nhiên tôi tin rằng với sự nỗ lực của bản thân mình, của các anh chị em nghệ sĩ, cùng sự hỗ trợ của đội ngũ lãnh của VNOB, tác phẩm sẽ có một sự thành công nhất định. Ít nhất chúng ta đã làm, có làm ra thì mới có cải để tự mình, và cả người khác nữa, học tập, và từ đó lại có động lực làm nhiều cái mới nữa.

Đàn Harp (hay còn gọi là đàn Hạc) rất có thể sẽ xuất hiện trong dàn nhạc của vở ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên 2018 của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam

– Được biết, hiện nay, ông đã xây dựng được dàn nhạc tre nứa “Sức sống mới”. Liệu, ông có ý định đưa một vài loại nhạc cụ này vào dàn nhạc của Kẹp hạt dẻ 2018?

– Dàn nhạc tre nứa “Sức sống mới” là của riêng tôi, do tôi thành lập tháng 11 năm 2013 với 11 thành viên. Trước đó, ban nhạc gia đình Tre Việt với 5 thành viên do bố tôi – NSUT Đồng Văn Minh thành lập năm 1993, đi biểu diễn trong và ngoài nước đến năm 2010 thì tạm dừng do mẹ tôi bị ốm và sau đó là các anh chị em tôi đi học và làm việc ở nhiều nước trên thế giới. Dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới là một sự tiếp nối truyền thống của ban nhạc tre nứa gia đình, cho tình yêu âm nhạc nói chung và tình yêu âm nhạc tre nứa, âm nhạc dân tộc nói riêng, nó được gọi là dàn nhạc vì nó lớn hơn nhiều về mặt biên chế nhạc công, biên chế phối khí nhạc cụ trong các tác phẩm âm nhạc và cả sự đa dạng trong các thể loại âm nhạc, không chỉ âm nhạc Việt Nam mà cả âm nhạc thế giới. Sức Sống Mới đã trở thành khách mời quen thuộc của các Nhà hát Lớn Hà Nội và nhiều nước trên thế giới. Lần này tôi không đưa nhạc cụ tre nứa dân tộc của Sức Sống Mới và Ballet “Kẹp hạt dẻ” vì đây là một tác phẩm âm nhạc hàn lâm, không được có sự sự tự ý thay đổi về mặt phối khí. Tuy nhiên, tôi đang phối khí những giai điệu kinh điển của “Kẹp hạt dẻ” vào cho dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới biểu diễn mừng giáng sinh theo lời mời của viện Goethe cũng trong tháng 12 tới, chỉ vài ngày sau khi diễn ra Ballet “Kẹp hạt dẻ -Giấc mơ thần tiên”. Đây cũng lại là một phiên bản “Kẹp hạt dẻ” đầu tiên được trình diễn với các nhạc cụ tre nứa dân tộc của Việt Nam. Và tôi tin chắc rằng với sự kĩ lưỡng trong phối khí và tập luyện, chúng tôi sẽ mang đến cho khán giả một cảm giác hoàn toàn khác từ sự kết hợp Đông – Tây này. Đây cũng là một trong những truyền thống của Sức Sống Mới: đưa phương Đông đến gần với phương Tây, và đưa phương Tây lại với phương Đông.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc cho Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên phiên bản 2018 của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thành công rực rỡ.

Tuyết Hoa