Tháng: Tháng Chín 2020

VNOB tham dự Tọa đàm về ngoại giao văn hóa

Nhận lời mời của Bộ Ngoại Giao nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2001, ngày 11-9 vừa qua, tại trụ sở Bộ Ngoại Giao Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đã tham dự cuộc tọa đàm “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam trong công tác ngoại giao văn hóa”.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự có nhiều đại biểu hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, điện ảnh, lịch sử, văn học nghệ thuật, hội họa mỹ thuật, biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực, du lịch…Đặc biệt, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam góp mặt 3 đại biểu là NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và nhà báo Nguyễn Tuyết Hoa, phó phòng Tổ chức biểu diễn, phụ trách PR và Marketing.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm

 

 

 

 

 

 

Mở đầu cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng, hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngoại giao văn hóa ngày càng được sử dụng rộng rãi với nhiều hình thức phong phú có vai trò quan trọng trong nền ngoại giao mỗi quốc gia. Vì vậy, theo Thứ trưởng, thông qua ngoại giao văn hóa, thông tin, hình ảnh về đất nước, văn hóa, lịch sử, con người, chính sách của Việt Nam được quảng bá, phổ biến và lan tỏa rộng rãi, giúp nhân dân thế giới hiểu biết, thiện cảm, yêu mến…

Các hoạt động ngoại giao văn hóa đã và đang góp phần xóa mờ đi hình ảnh một Việt Nam nghèo đói, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá để thay bằng hình ảnh đất nước hiện đại nhưng vẫn giữ giá trị truyền thống, cởi mở, thân thiện, thủy chung với bạn bè, tôn trọng đối tác, trách nhiệm với công việc chung của thế giới.

 

Trong những năm qua, công tác ngoại giao văn hóa đã được quan tâm hơn theo tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ trên các lĩnh vực đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, ngoại giao văn hóa được xác định là một trụ cột, cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, tạo nên nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.

Thời gian tới, trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, ngoại giao văn hóa cần tiếp tục tập trung phát huy gắn kết với nhiệm vụ lớn, đóng góp cho môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững; quảng bá hình ảnh Việt Nam; bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Chính vì vậy, việc tổ chức tọa đàm là dịp để những người làm văn hóa ở các lĩnh vực văn hóa khác nhau chia sẻ những ý kiến, đánh giá về công tác ngoại giao văn hóa hiện nay nhằm phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa của Việt Nam giúp nâng cao hình ảnh quốc gia.

Tại cuộc tọa đàm, nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về văn hóa đã chia sẻ những đánh giá chung về các giá trị văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam, cũng như nêu một số những khó khăn trong việc phổ biến các giá trị, tác phẩm ra công chúng thế giới. Đồng thời, các đại biểu cũng đã nêu một số những kiến nghị, đề xuất những biện pháp nhằm giúp giới nghị sĩ, những người làm về văn hóa quảng bá được hình ảnh tươi đẹp của Việt Nam ra thế giới.

Trên cương vị là người đứng đầu nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đồng thời cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cũng đã chia sẻ thực trạng về các chương trình đối ngoại văn hóa của Việt Nam hiện nay. Bà cho biết: “Hiện nay, chúng ta chưa cho nghệ thuật biểu diễn là một kênh, một tiềm năng, niềm tự hào Việt Nam để làm công tác ngoại giao văn hóa… Vì vậy, chúng ta cần những chương trình nghệ thuật thật sự có chất lượng, đươc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng cả về yếu tố lịch sử lẫn nghệ thuật. Chúng ta cần những chương trình nghệ thuật được đặt hàng với chất lượng cao, để bạn bè quốc tế thông qua đó, phải ngước nhìn”./.

Tuyết Hoa

NSƯT Lê Tuấn Anh được bổ nhiệm là Phó Giám đốc VNOB

Ngày 17-9 vừa qua, tại trụ sở Bộ VHTTDL, NSƯT Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng đoàn Đoàn Nhạc kịch, đã chính thức được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao quyết định số 2609, bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).

Cùng dự lễ trao quyết định bổ nhiệm còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, ban, đơn vị có liên quan cũng như lãnh đạo Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo: “Thay mặt ban cán sự, đảng bộ, xin được chúc mừng các đồng chí vừa được bổ nhiệm. Đề nghị các đồng chí phát huy truyền thống đoàn kết, cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cùng với các lãnh đạo đơn vị”.

Riêng đối với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Bộ trưởng bày tỏ sự hài lòng với sự hoàn chỉnh trong cơ cấu tổ chức. Bộ trưởng chia sẻ: “Qua rất nhiều thời kì thì đến nay Nhà hát Nhạc Vũ Kịch mới có bộ máy hoàn chỉnh nhất, với 1 giám đốc và 3 phó giám đốc. Mong các lãnh đạo của các đơn vị có đồng chí được bổ nhiệm tạo điều kiện để các đồng chí được hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

NSƯT Lê Tuấn Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Năm 6 tuổi anh bắt đầu học Violin dưới sự dẫn dắt của bố, một nghệ sỹ Violin. Sau khi tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia, anh công tác tại Đoàn Nhạc kịch, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và hiện đang đảm nhiệm vị trí Concert Master.

Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, anh đã nhận được lời mời tham gia biểu diễn cùng các dàn nhạc như Bangkok Opera, Asian Orchestra, Sony Symphony Orchestra, Kunming Orchestra.. với vai trò nghệ sỹ solist và leader. Bên cạnh đó anh là người sáng lập và thường xuyên tham gia biểu diễn với các nhóm thính phòng như String Quartet, Chamber music…trong các buổi hòa nhạc hàng năm.

Tuyết Hoa

VNOB tham gia chương trình nghệ thuật kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL thực hiện thành công chương trình nghệ thuật Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, tạo nên một đêm trình diễn đỉnh cao về nghệ thuật và dâng trào về cảm xúc…

Bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, những tiết mục biểu diễn đỉnh cao trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ đã đưa khán giả đi dọc chiều dài lịch sử 75 năm vẻ vang của đất nước, trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ mà hào hùng, bước vào công cuộc dựng xây Tổ quốc “ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đúng như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp tổ chức. Tới dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình; Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư TƯ Đảng, Chánh án Toà án NDTC Nguyễn Hoà Bình; Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.

 

Với ba chương: Đất nước, Khát vọng hòa bình và Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, chương trình là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng về đất nước, con người Việt Nam, tái hiện hành trình vĩ đại của dân tộc từ mốc son chói lọi 75 năm trước cho tới ngày hôm nay.

Mở đầu chương trình là hòa tấu và hợp xướng Mười chín tháng Tám làm sống lại bầu không khí cách mạng sục sôi của 75 năm trước. Ngược thời gian, không gian, dường như mỗi công chúng được đứng trước Quảng trường Ba Đình lịch sử, xúc động và tự hào lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, rộn ràng hạnh phúc trong giai điệu của Đất nước trọn niềm vui.

Phần I với chủ đề Đất nước là bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm qua giọng thơ hào sảng, nồng ấm của Bộ trưởng, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Đất nước hiện lên vừa gần gũi, thân thuộc lại vừa thiêng liêng qua các ca khúc: Làng tôi, Biển hát chiều nay, Đêm thành phố đầy sao và khép lại với ca khúc biểu tượng của tình đoàn kết Hà Nội – Huế – Sài Gòn.

Phần II Khát vọng hòa bình đưa khán giả đi cùng chiều dài lịch sử của đất nước qua những cuộc kháng chiến gian khổ mà hào hùng với Đường chúng ta đi, Giải phóng Điện Biên, Bài ca hy vọng, Dáng đứng Việt Nam, Chiều biên giới, Bài ca Thống nhất…

Phần III cũng là chủ đề của chương trình: Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ là niềm tự hào và tình yêu vô bờ với đất nước. Đất nước tình yêu, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Trên công trường rộn tiếng ca, đặc biệt là ca khúc Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương như một khúc hoan ca mang đậm chất tự sự và tràn đầy cảm xúc lãng mạn, say đắm.

Mặc dù là chương trình chào mừng sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, nhưng Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ còn là tiếng nói tri ân tới các vị Vua Hùng để nhắc nhớ về nguồn cội của dân tộc Việt Nam. Với lẽ đó, NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Phó Tổng đạo diễn chương trình) cho biết: “Chương trình mang chủ đề về quê hương, đất nước nhưng lần này, chúng tôi không chọn những bài hát hay cách dàn dựng quá khuôn mẫu. Những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, con người sẽ được “khoác” lên mình “tấm áo” mới là những bản phối đương đại. Chính vì thế, dàn dựng các tiết mục múa cũng sẽ có sự khác biệt so với các chương trình trước”.

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, với toàn bộ đoàn Ca kịch và Vũ Kịch, đã tham gia rất tích cực và thể hiện tính chuyên nghiệp cũng như khả năng phối hợp tốt với các thành viên khác trong chương trình. Đặc biệt là hoạt cảnh múa kéo dài 10 phút. Đúng với những câu thơ “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ/ Lạc Long Quân và Âu Cơ/ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”, phần biên đạo được NSƯT Trần Ly Ly dàn dựng kỹ lưỡng, làm bật lên hình tượng “cùng sinh ra từ một bào thai” đậm chất tạo hình. Biểu tượng về sự đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước đã được chuyển hóa, thể hiện bằng tất cả những phương diện, công nghệ hiện đại trên sân khấu. Hơn nữa, qua những động tác múa, khán giả còn được thấy về một giai đoạn người Việt phải gồng mình chống chọi với thiên tai, địch họa… nhưng vẫn đoàn kết để nỗ lực vượt qua, xây dựng được một Việt Nam tươi đẹp như ngày hôm nay.

Với chương II Khát vọng hòa bình và chương III Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ, đây là những phần trình diễn liên hoàn thể hiện mạch chảy liên tục của lịch sử dân tộc. Các tác phẩm được kết nối với nhau tạo nên một bức tranh toàn cảnh về một đất nước có bề dày lịch sử.

Không chỉ thành công ở mảng múa, các nghệ sĩ VNOB còn tạo được ấn tượng mạnh ở phần hát. Đặc biệt, hai nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng là Tố Loan và Trần Trang đã vinh dự cùng NSND Quốc Hưng thể hiện thành công bài Đường chúng ta đi với sự dàn dựng và phối khí rất công phu, hoành tráng. Bài hát Làng tôi do nhóm Tố Loan, Trần Trang, Bùi Trang và Hương Diệp cũng được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt hay nghệ sĩ Đinh Như Tới cũng thể hiện được chất giọng Tenor cùng với nhóm Phương Bắc trong bài hát Việt Nam quê hương tôi.

Tuyết Hoa

NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Phó Tổng đạo diễn chương trình) cho biết: “Chương trình mang chủ đề về quê hương, đất nước nhưng lần này chúng tôi không chọn những bài hát hay cách dàn dựng quá nặng nề. Những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, con người được “khoác” lên mình “tấm áo” mới là những bản phối mới. Chính vì sự mới lạ đó, dàn dựng các tiết mục múa cũng có sự khác biệt so với các chương trình trước”.