Tháng: Tháng Ba 2020

Tìm kiếm tài năng nghệ thuật Múa

Cuộc thi Tài năng diễn viên múa toàn quốc 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sẽ diễn ra vào tháng 10 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, đối tượng tham gia cuộc thi có độ tuổi từ 16 tuổi trở lên, là diễn viên múa đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập, học sinh, sinh viên theo học chuyên ngành múa tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong toàn quốc, thí sinh tự do có thể đầu tư sáng tạo tác phẩm biểu diễn tham dự.

Cuộc thi chia làm 4 bảng với 4 phong cách múa: Ballet cổ điển và Ballet hiện đại (Bảng A), Đương đại (Bảng B), Dân gian dân tộc, Dân tộc hiện đại và truyền thống (Bảng C); Phong cách múa sử dụng các ngôn ngữ múa có tính chất đường phố – hiphop, popping, breakdance, locking… (Bảng D). Trong đó, Ban Tổ chức sẽ trao giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cho thí sinh, nhóm thí sinh xuất sắc mỗi bảng.

Ban Tổ chức cũng cho biết, thí sinh được sử dụng các tác phẩm đã công bố, không sử dụng tác phẩm đã biểu diễn và đoạt giải trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ VHTT&DL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức; khuyến khích đăng ký các tác phẩm múa mới sáng tác. Về nội dung, tác phẩm cần có nội dung và thông điệp rõ ràng. Tiêu chí xét giải thưởng được đánh giá qua các yếu tố: kỹ thuật, kỹ xảo điêu luyện; nghệ thuật diễn xuất sáng tạo; ngôn ngữ hình thể và cảm xúc của diễn viên; có sáng tạo riêng về hình thức thể hiện để bộc lộ tài năng.

Gia Linh (https://bvhttdl.gov.vn)

Chương trình múa đương đại Bolero của VNOB

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam: Phát triển, kiến tạo Nghệ thuật hàn lâm Opera, Ballet

60 năm – một chặng đường nghệ thuật với đầy đủ những cung bậc hỷ – nộ – ái – ố, nhưng cũng rất ấn tượng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, được ghi dấu với những tác phẩm, vở diễn nổi tiếng, từ Đại hợp xướng giao hưởng: Sống mãi cùng Điện Biên, nhạc kịch Núi rừng hãy lên tiếng, Cô Sao, Người tạc tượngBên bờ K’rôngpa, vũ kịch Chị SứPhá lao … đến những tác phẩm kinh điển của thế giới được dàn dựng công phu và biểu diễn thành công như: nhạc kịch Phidelio (Bethoven), Ruồi Trâu (Xpadavecxki, Madame Butterfly),  Vũ kịch Spactak, Gieselle, Hồ thiên nga… Mỗi bước đi của Nhà hát đều có dấu ấn của lao động nghệ thuật nghiêm túc và sự tận hiến của tập thể lãnh đạo Nhà hát và các nghệ sĩ, diễn viên tài năng.        Tạp chí Âm nhạc mời bạn đọc nhìn lại chặng đường đã qua của Nhà hát qua cuộc trò chuyện của chúng tôi với Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).

  • Xin chào NSƯT Trần Ly Ly! Năm 2019 là một năm đáng nhớ với tập thể nghệ sĩ diễn viên của VNOB?
  • Được thành lập ngày 6/8/1959, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, VNOB đạt được nhiều thành tích lớn trên các sân khấu trong nước, quốc tế và vinh dự được nhận nhiều Giải thưởng của Nhà nước, đóng góp tích cực vào việc phát triển văn hóa nghệ thuật của Việt Nam. Ngay từ khi thành lập, VNOB luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người trực tiếp chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng hát Bài ca Kết đoàn ngày 3/9/1960 tại Hà Nội. Với sứ mệnh tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới và phát triển nghệ thuật Giao hưởng Hợp xướng, nhạc kịch (Opera), vũ kịch (Ballet) tại Việt Nam, VNOB liên tục phấn đấu giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc để sáng tạo ra nhiều tác phẩm, nhiều chương trình có giá trị nghệ thuật cao. Trong hành trình 60 thập kỷ qua, Nhà hát đã được tặng: Huân chương Lao động hạng III (1989); Huân chương Lao động hạng II (1999); Huân chương Lao động hạng Nhất (2009); Huân chương Độc lập hạng Ba (2014). Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, Nhà hát vinh dự được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thay mặt Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tập thể nghệ sĩ, diễn viên của VNOB vì những đóng góp xuất sắc của Nhà hát trong suốt 60 năm qua – đó là niềm khích lệ, động viên to lớn để tập thể nghệ sĩ, diễn viên vững bước trên con đường nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  • Năm 2019 là bước đột phá trong sáng tạo nghệ thuật của Nhà hát với những vở diễn được ghi nhận, mà NSƯT Trần Ly Ly với vai trò là người định hướng, chỉ đạo nghệ thuật?
  • Cùng với việc dàn dựng, biểu diễn, tham gia các liên hoan, năm 2019, đánh dấu chặng đường 60 năm hình thành và phát triển (1959 – 2019), VNOB cho ra mắt hai tác phẩm kinh điển: nhạc kịch Người tạc tượng của cố Nhạc sĩ Ðỗ Nhuận và vũ kịch Hồ Thiên Nga của Nhà soạn nhạc Tchaikovsky. Công diễn lần đầu năm 1971, nhạc kịch Người tạc tượng của cố Nhạc sĩ Ðỗ Nhuận được xem là một trong những vở Opera đầu tiên của Việt Nam. Vở diễn tái hiện giai đoạn lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Tây Nguyên tại Buôn Bra trong thập niên 60 của thế kỷ 20, xoay quanh nhân vật trung tâm là Thạch Sơn, một người con Quảng Nam là cán bộ quân giải phóng. Tác phẩm nêu bật ý chí kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nơi chiến trường Tây Nguyên. Lấy bối cảnh chiến tranh cách mạng, nhưng Người tạc tượng không quá nhấn mạnh vào những đau thương, mất mát mà lột tả cuộc chiến về lý tưởng giữa các nhân vật ở hai đầu chiến tuyến. Vở diễn gây xúc động mạnh khi khai thác sâu sự lãng mạn của tình yêu, lòng thủy chung trong khói lửa chiến tranh. Bên cạnh vẻ đẹp của các nhân vật chính như Thạch Sơn hay H’Nuôn – con gái già làng, hình tượng những nhân vật phụ cũng để lại nhiều dấu ấn đậm nét, như già làng Tây Nguyên kiên cường và người chiến sĩ Y Giang với lời trăng trối về sống quỳ hay chết đứng…Tất cả làm sáng bừng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tình đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, vở nhạc kịch mang đến nhiều thú vị với những màn đồng ca, những dấu ấn đặc trưng trên trang phục thể hiện rõ nét văn hóa Tây Nguyên, sự dàn dựng công phu về sân khấu, decor, những màn múa lớn … tạo cảm xúc và gây hiệu ứng thị giác, đáp ứng thị hiếu của công chúng trong thời đại hiện nay mà không xa rời ý tưởng cốt lõi của tác phẩm. Để có được thành công này chính là sự gắn kết, tập hợp một đội ngũ những người sáng tạo có tầm ảnh hưởng trong nghệ thuật và xã hội như: PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Đạo diễn – NSND Trần Lực, Họa sĩ – NSND Hoàng Hà Tùng; Tổng biên đạo NSND Nguyễn Hồng Phong và tôi với vai trò là Tổng chỉ huy và là Quyền Giám đốc của Nhà hát…
  • Cùng với nhạc kịch Người tạc tượng, việc dựng lại đầy đủ ballet Hồ Thiên Nga, hẳn là một “cuộc chơi lớn” của Nhà hát?
  • Quyết định “chơi lớn” trước một dấu mốc lịch sử mới, với những đòi hỏi khắt khe về nghệ thuật, chúng tôi mời nghệ sĩ ballet nổi tiếng Lê Ngọc Văn, biên đạo múa của Nhà hát Ballet quốc gia Anh, về nước dàn dựng vở ballet kinh điển Hồ Thiên nga của biên đạo Marius Petipa and Lev Ivanov. Hơn 30 năm trôi qua, Ballet Việt Nam chưa thể trình diễn một cách đầy đủ tác phẩm này mà chỉ là những trích đoạn nhỏ lẻ. Đây là lần đầu tiên Hồ Thiên nga được dựng lại với đầy đủ 4 màn và trình diễn một cách đầy đủ tại Việt Nam kể từ năm 1985, dưới sự dàn dựng của chuyên gia Nga. Hồ Thiên nga được VNOB dàn dựng theo phong cách Nga nhưng có sự xen kẽ, pha trộn những điểm nhấn riêng, tạo nên nét độc đáo, tạo nên một Hồ Thiên nga của người Việt.
  • Đây có phải là một quyết định táo bạo của NSƯT Trần ly Ly trước vô vàn những khó khăn cả về nhân lực và vật lực?
  • Việc dựng vở ballet Hồ Thiên nga phiên bản 2019 là một quyết định táo bạo đối với lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công… của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Đó là một bài toán khó khan, bởi lẽ không chỉ đòi hỏi đầu tư về tiền bạc, Hồ Thiên nga còn đòi hỏi sự tập trung cao độ của toàn bộ dàn diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát với trên 60 nghệ sĩ tham gia dàn nhạc và chơi live trong suốt vở cùng với hơn 60 diễn viên múa và thời gian tập luyện cũng kéo dài 6 tháng. Đầu tư lớn cho vở diễn vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập nhà hát và cũng là cách Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam khẳng định quyết tâm đưa ballet kinh điển đến với khán giả, đánh dấu một chặng đường nỗ lực vươn đến nền nghệ thuật bác học của thế giới. Để có được Hồ Thiên nga hoàn thiện hiện hữu trên sân khấu, trái tim tôi vụn vỡ vì cảm kích…Nếu nhạc kịch Người tạc tượng là di sản âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam thì vũ kịch Hồ thiên nga là kiệt tác nghệ thuật thế giới được VNOB lựa chọn thực hiện trong dịp này. Xin thay mặt Nhà hát gửi lời tri ân các cộng sự là những Nhạc sĩ, Họa sĩ, Biên đạo Múa, Đạo diễn, Thiết kế Mỹ thuật, Phục trang, Sân khấu… và tập thể các nghệ sĩ, diễn viên đã tận hiến tâm sức, tài năng để Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam khẳng định bước đường đã qua và mở một trang mới trong nghệ thuật.
  • Khép lại năm cũ, chào Xuân 2010, con số thật đẹp, nghệ sĩ có thể chia sẽ về chặng đường mới của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam?
  • Năm 2020, cùng với việc dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm mới, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam mong muốn và đã xây dựng kế hoạch mang Người tạc tượngHồ Thiên nga đi lưu diễn trong toàn quốc. Đây là cơ hội để công chúng cả nước được hưởng những giá trị nghệ thuật đích thực. Với mục tiêu phát triển, kiến tạo nghệ thuật hàn lâm opera, ballet… VNOB sẽ tiếp tục đầu tư, dàn dựng nhiều hơn nữa những tác phẩm có gía trị nghệ thuật tiệm cận gần hơn với công chúng.

                                                                                              Minh Anh (thực hiện)

Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể lãnh đạo VNOB
Vở Ballet Hồ Thiên Nga đã tạo được thành công lớn trong năm 2019
Vở Opera Người tạc tượng do VNOB trình diễn rất thành công
Vở nhạc kịch Lá đỏ đã giành được rất nhiều giải thưởng quốc gia

VNOB tham gia ngày hội hiến máu “Trao yêu thương để nhận lại” do Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức

Sáng ngày 3/3, tại Nhà hát Tuổi trẻ, Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp cùng Viện huyết học – truyền máu trung ương tổ chức ngày hội “Trao yêu thương để nhận lại”. Các cán bộ, nghệ sĩ, công chức, viên chức của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã tích cực tham gia với tinh thần tự nguyện.

Đây là một trong những hoạt động nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, đạo lý cao đẹp: “Thương người như thể thương thân”. Hành động hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc, là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng của mỗi người.

Cán bộ, nghệ sĩ VNOB tham gia Ngày hội hiến máu

Việc tổ chức lễ phát động nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về giá trị nhân văn cao cả và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Qua đó, giúp công chức, viên chức, người lao động hiểu và tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, góp phần cứu chữa những bệnh nhân đang cần máu.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm nước ta cần khoảng 1.700.000 đơn vị máu điều trị. Tuy nhiên, số đơn vị máu hiện tại mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu máu cho điều trị.

Theo ông Nguyễn Tuấn Linh, Ủy viên BCH Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL, hiến máu nhân đạo không chỉ là hành động nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc, là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng của mỗi người mà còn giúp đáp ứng phần nào nhu cầu máu cho điều trị hiện nay.

Ông Nguyễn Tuấn Linh, Chủ tịch Công đoàn Bộ chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ trong ngày hội hiến máu

Bên cạnh đó, hiến máu hoàn toàn không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí còn có một số tác dụng tích cực nhất định đối với cơ thể. Việc hiến máu thường xuyên sẽ giúp cơ thể giảm nguy cơ các bệnh về tim mạch, ung thư gan, phổi, ruột, dạ dày và cổ họng. Lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo, phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Hiến máu không mất nhiều thời gian, sức lực nhưng vô cùng cần thiết cho xã hội.

(Theo bvhttdl.gov.vn)